Chồng bạo lực gia đình bị cấm tiếp xúc với vợ, giữ khoảng cách 50m
Người có hành vi bạo lực gia đình bị cấm đến gần người bị bạo lực gia đình, phải giữ khoảng cách trong suốt thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc từ 50m trở lên nếu không có vật ngăn cách bảo đảm an toàn.
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chiều 16/4 quy định cụ thể các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, trong đó có cấm tiếp xúc theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã hoặc cơ quan tiến hành tố tụng.
Cấm tiếp xúc là biện pháp cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần người bị bạo lực gia đình; hoặc không đến gần nhưng sử dụng các phương tiện để thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
Dự thảo thể hiện, khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc, người bị bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc.
Người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình trong suốt thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc từ 50m trở lên, trường hợp có vật ngăn cách bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình thì không áp dụng khoảng cách tối thiểu.
Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính để ngăn chặn bạo lực gia đình. Luật cũng khuyến khích việc ứng dụng công nghệ để hỗ trợ giám sát thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc.
Trong trường hợp gia đình có đám cưới, đám tang hoặc các trường hợp đặc biệt khác thì phải phải báo cáo để được tiếp xúc dưới sự quản lý của công an cấp xã.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, cơ quan thẩm tra dự án luật nhận thấy, việc sửa đổi các quy định về biện pháp cấm tiếp xúc là cần thiết để khắc phục tồn tại, hạn chế trong việc triển khai biện pháp này.
Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo quan tâm về khả năng áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc cho một số nhóm đối tượng đặc thù như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật…; các quy định để bảo đảm quyền chọn chỗ ở của người bị bạo lực gia đình được thực hiện và cân nhắc giữ quy định hiện hành về chủ thể giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc, đồng thời bổ sung quy định giao công an cấp xã hỗ trợ việc giám sát thực hiện quyết định cấm tiếp xúc.
Theo dự thảo, chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc mỗi lần không quá 3 ngày khi có đủ các điều kiện: Người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp yêu cầu cấm tiếp xúc, trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu thì phải có sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình; Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình.
Trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em, việc áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc được thực hiện theo quy định của pháp luật về trẻ em.
Trong khi đó, TAND đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự liên quan đến người bị bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 4 tháng trong 2 trường hợp.
Đó là có yêu cầu của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình.
Trường hợp thứ hai là TAND tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc nếu xét thấy cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự của nạn nhân bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối.
Liên quan đến việc “TAND tự mình ra quyết định”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết dự thảo dẫn chiếu trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành về biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong khi Bộ luật Tố tụng Dân sự lại không có quy định tòa tự mình ra quyết định trong trường hợp trên.
“Như vậy hai luật này có vênh nhau, do đó đề nghị cân nhắc để tránh việc không khả thi, rồi sau này không áp dụng được” – bà Lê Thị Nga lưu ý.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới thì cho rằng dự thảo quy định trách nhiệm của công an xã rất nặng nề nhưng về thẩm quyền của công an xã trong luật lại không có, thành ra rất khó thực hiện, trong đó có giao cho công an xã giám sát việc thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc.
Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 3 dự kiến khai mạc vào 23/5 tới./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận