Chút chạnh lòng về bản quyền tác giả khi xem biểu diễn nghệ thuật ở Đà Nẵng

08:42 09/06

Bất kỳ một chương trình nào nếu có nhạc (có lời hay không có lời) đơn vị phụ trách sự kiện đều phải nộp bản quyền. Tuy nhiên thực tế không phải lúc nào cũng vậy, khi mà VCPMC không biết, khi mà bản thân các nhạc sỹ không biết những tác phẩm của mình đã được vang lên ở đâu, khi nào, còn người yêu nhạc muốn biết tác phẩm mình thích là do ai sáng tác thì cũng chịu!

Đà Nẵng đang mùa bắn pháo hoa với nhiều chương trình nghệ thuật khắp thành phố trong đó có bên sông Hàn… Là một cư dân mới của Đà Nẵng, tôi đã đến với một chương trình như thế tối 5/6/2023, đó là đêm diễn “Giai điệu quê hương” do các nghệ sỹ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn, theo sự chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng, Sở VHTT thành phố Đà Nẵng.

Có thể thấy hình thức biểu diễn nhỏ bên bờ sông Hàn khá phổ cập ở Đà Nẵng, và được người dân đón nhận, có lẽ nó xuất phát từ tình yêu âm nhạc của họ: Nó thật mãnh liệt!

chut chanh long ve ban quyen tac gia khi xem bieu dien nghe thuat o Da nang hinh anh 1

Trở lại với đêm diễn ngày 5/6, chỉ với hơn mười tiết mục ở nhiều loại hình nghệ thuật như: Múa, hát, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ. Phần kịch bản khá công phu khi không chỉ là giới thiệu mà còn đem tới người nghe một số kiến thức về âm nhạc các vùng miền (dù không nhiều, vì chỉ là lời dẫn cho các tiết mục). Rồi cách biên tập, sắp xếp các tiết mục đã cuốn hút người xem cũng thể hiện thẩm âm của người viết kịch bản (tôi để ý, mặc dù không nhiều khán giả nhưng không ai bỏ về giữa chừng, kể cả những em nhỏ!).

 Có thể kể sơ vài tiết mục giành được nhiều vỗ tay: hai điệu múa Chăm “Áp Sa Ra”; múa “Bến nước tình yêu” của biên đạo Như Hà; múa “Những cô gái Việt Nam” của biên đạo múa, NSND Thúy Quỳnh; hòa tấu hai bài dân ca “Đi cấy” và “Trống cơm”; độc tấu nhị của nghệ sỹ Trọng Thắng cùng dàn nhạc dân tộc tác phẩm “Kể chuyện ngày mùa”; diễn tấu kèn Sa ra nai do nghệ sỹ Quốc Công thể hiện cùng dàn nhạc dân tộc…

Phần phục trang cũng khá kỹ lưỡng, phù hợp với nội dung tác phẩm… Rõ ràng đây là một đêm diễn hay!

chut chanh long ve ban quyen tac gia khi xem bieu dien nghe thuat o Da nang hinh anh 2

Nhưng…càng xem, có một sự thắc mắc, khó hiểu trong tôi ngày một lớn. Đó là không tiết mục nào giới thiệu tên nhạc sỹ sáng tác!? Có thể kể tên hai tác phẩm rất quen thuộc ở hai tiết mục, đó là: tiết mục viết cho đàn T’rưng “Cô gái Tây Nguyên” do nghệ sỹ Thúy Phượng và dàn nhạc Nhà hát biểu diễn, theo giai điệu bài hát “Cô gái vót chông” của nhạc sỹ Hoàng Hiệp; Tiết mục viết cho đàn nhị do nghệ sỹ Trọng Thắng và dàn nhạc thể hiện là tác phẩm “Kể chuyện ngày mùa” (nếu tôi nhớ không nhầm) tác phẩm của nhạc sỹ Thao Giang; Những tiết mục còn lại (kể cả các tiết mục vận dụng các làn điệu dân ca chứ không phải dân ca nguyên gốc) tôi tin phần âm nhạc cũng là sản phẩm lao động sáng tạo chứ không phải “bỗng dưng”có được!

Thế nên, dù các nghệ sỹ đã biểu diễn đầy cảm hứng và hết sức nghiêm túc như đang diễn ở khán phòng lớn! Dù kịch bản được viết công phu…nhưng chúng ta có thể khẳng định lại lần nữa: góp phần không nhỏ cho một đêm diễn hay, không thể vắng âm nhạc dù chỉ là một đêm diễn trên sân khấu nhỏ ngoài trời! Do vậy, tôi nghĩ, và không tin người xem sẽ “rộng lượng” bỏ qua sự “quên” giới thiệu tên của tác giả-nhạc sỹ những tác phẩm âm nhạc họ vừa thưởng thức! Và nếu những lần biểu diễn sau người xem lại thêm vài lần thử sức tình yêu âm nhạc của mình khi vừa xem, vừa đoán: “tác phẩm âm nhạc này của ai?”; “Giai điệu này ai sáng tác mà nghe quen vậy?”… thì trong họ (cũng như tôi lúc này) sẽ xuất hiện câu hỏi: Tại sao người sáng tác các tác phẩm âm nhạc chúng tôi yêu thích lại bị khuyết danh?! Tại sao tên của các nhạc sỹ lại “vắng” khi tác phẩm của họ vang lên trên sân khấu…

chut chanh long ve ban quyen tac gia khi xem bieu dien nghe thuat o Da nang hinh anh 3

Trao đổi với nhạc sỹ Trịnh Tuấn Khanh người từng có thâm niên làm ở VCPMC Đà Nẵng, anh cho biết: đây là lỗi của nơi quản lý sự kiện. Bất kỳ một chương trình nào nếu có nhạc (có lời hay không có lời) đơn vị phụ trách sự kiện đều phải nộp bản quyền. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng vậy, khi mà VCPMC không biết, khi mà bản thân các nhạc sỹ không biết những tác phẩm của mình đã được vang lên ở đâu, khi nào, còn người yêu nhạc muốn biết tác phẩm mình thích là do ai sáng tác thì cũng chịu!

Thế nên, vẫn biết: đêm diễn hay… Nhưng thực tình vẫn chưa trọn vẹn khi chúng tôi vẫn có chút chạnh lòng và mong sẽ được xem những đêm diễn hay hơn để vừa được mãn nhãn, vừa biết thêm kiến thức âm nhạc, vừa được nghe tên những nhạc sỹ mình yêu mến được người giới thiệu cất lên trân trọng bên những tác phẩm của họ./.

CTV Doãn Ánh Quyên/VOV.VN
(Nguồn VOV.VN)

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết

Gửi bình luận