Người dân nên thận trọng với cơn “sốt” đất nền
Theo giới kinh doanh, các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin, nhận định về khả năng tăng trưởng và tính hiện thực của các dự án.
Thời gian gần đây, đất nền ở một số địa phương như huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), tỉnh Quảng Nam, TP HCM, Đà Nẵng, đặc biệt tại Hà Nội có hiện tượng sốt “ảo” với mức giá tăng rất cao so với cuối năm 2018. Trước những diễn biến xấu của thị trường, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên cân nhắc kỹ trước khi giao dịch để tránh rủi ro.
Từ khi có thông tin thành phố Hà Nội đề xuất với Trung ương cho phép được thực hiện cơ chế đặc thù để nâng cấp 4 huyện thành quận vào năm 2020, giá đất ở các huyện như: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức và Thanh Trì tăng mạnh.
Tại huyện Đông Anh, giá đất có nơi tăng gấp đôi so với cuối năm ngoái. Đất có sổ đỏ tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức đã lên đến 45-50 triệu đồng/m2. Còn tại khu vực xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, giá đất thổ cư thậm chí lên đến 60 triệu/m2, tăng gần gấp đôi so với 3 tháng trước.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty TNHH CBRE Việt Nam cho rằng, hiện tượng tăng giá đất quá nhanh trong thời gian ngắn từng xảy ra từ hơn 10 năm trước. Các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin, nhận định về khả năng tăng trưởng và tính hiện thực của các dự án. Hiện nay, thông tin đã mở hơn nhiều so với hơn 10 năm trước nên việc tiếp cận để phân tích, đánh giá về các dự án cũng thuận lợi hơn.
"Về phía đơn vị nghiên cứu và tư vấn, chúng tôi đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư là nên đánh giá và nghiên cứu kỹ và tính đến rủi ro có thể xảy ra cho tài sản mà mình đầu tư. Không nên vay quá nhiều để đầu tư, bởi khi rủi ro xảy ra thì sẽ không thể trả được khoản vay đó. Các nhà đầu tư cũng cần cân đối tổng tài sản của mình khi quyết định đầu tư vào bất động sản" - bà Nguyễn Hoài An cho biết.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, người đi mua đất nền tại vùng ven của Hà Nội thời gian gần đây đa số để mua đi bán lại chứ không có nhu cầu ở thực. Vì thông tin một địa phương nào đó sắp phát triển đô thị mà giá đất tăng lên gấp đôi, gấp 3 là không hợp lý.
Ví dụ như ở huyện Hoài Đức, trước đây đã có lần giá đất tăng mạnh, nhưng một thời gian lại trở nên im ắng. Từ đó đến nay, hạ tầng kỹ thuật chưa được cải thiện là bao. Khi có thông tin sắp lên quận, giá đất tại huyện này lại tăng mạnh. Điều đó không đúng với quy luật của thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính cảnh báo, người mua đất để đón đầu các dự án, nên tìm hiểu kỹ về quy hoạch và tính pháp lý của lô đất mình sẽ mua.
Theo ông Đính: "Cần tìm hiểu tính pháp lý đầy đủ của các sản phẩm đầu tư như giấy tờ, sổ đỏ là phải hợp pháp. Nếu không xem kỹ cái này thì nguy cơ bị thu hồi hoặc bị hủy các giao dịch là rất cao. Thứ hai là phải nghiên cứu kỹ quy hoạch. Nếu không nghiên cứu kỹ, rơi vào quy hoạch công trình công cộng hay quy hoạch dịch vụ thì đầu tư mất không".
Thời gian qua, cả nước liên tục xảy ra tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến việc mua bán đất nền, đất dự án. Lợi dụng cơ hội khi giá đất tăng mạnh tại huyện Hóc Môn, TP HCM, một số đối tượng đã giới thiệu, quảng cáo, rao bán các dự án nhà ở không hợp pháp trên các trang mạng xã hội, và hình thức phát tờ rơi. Những đối tượng này hứa hẹn nếu đặt tiền cọc từ 50 - 400 triệu đồng thì trong khoảng thời gian từ 6-12 tháng sẽ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở.
Để ngăn chặn tình trạng này, UBND huyện Hóc Môn đã chỉ đạo Công an huyện, UBND các xã, thị trấn kiểm tra chặt chẽ địa bàn, nhằm phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm. Mới đây nhất, hơn 1.000 hộ dân tại tỉnh Quảng Nam tố cáo các doanh nghiệp lừa đảo, khiến UBND tỉnh Quảng Nam phải chỉ đạo thanh tra hàng loạt dự án bất động sản. Thành phố Hà Nội cũng đang xem xét thu hồi 8 dự án tại huyện Mê Linh, trong đó có dự án chủ đầu tư đã thu 100% tiền của người dân dưới hình thức “góp vốn”.
Trước tình hình sốt đất nền, dẫn đến sự phát triển không lành mạnh của thị trường, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, đã có văn bản gửi các địa phương nhằm làm rõ thông tin về quy hoạch để người dân, những nhà đầu cơ không bị hiểu nhầm.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhấn mạnh: "Bộ Xây dựng có trách nhiệm quản lý về thị trường bất động sản nói chung, trong đó có loại hình bất động sản là đất nền. Các bộ đều có trách nhiệm quan tâm, giải quyết. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng là cung cấp quy hoạch rõ ràng, chỗ đấy có phải là quy hoạch đô thị không, chỗ đấy có phải phát triển theo xu hướng đó không, tính pháp lý ra sao? Từ đó, người ta mới có nhận định đầu tư vào đó đúng hay sai".
Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, các ngành chức năng sẽ thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa và kịp thời xử lý sai phạm trong công tác quản lý đất đai. Nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang rà soát toàn bộ dự án bất động sản để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Các chuyên gia khuyến cáo người dân trước khi quyết định mua đất nền, hãy tìm hiểu kỹ thông tin. Đừng quá tin vào những lời mời chào hấp dẫn của đội ngũ “cò đất” để rồi “tiền mất, tật mang”./.
Thành Trung/VOV1
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận