Lo ngại dịch sởi bùng phát trên diện rộng
Theo Bộ Y tế, số ca mắc bệnh sởi năm 2018 đã gia tăng hơn năm 2017. Ngành y tế lo ngại dịch sởi sẽ tái diễn theo chu kỳ.
Tại Việt Nam, từ cuối năm 2018 đến nay, bệnh sởi bắt đầu có xu hướng tăng, chủ yếu tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn như Đồng Nai, Bình Dương.
Cụ thể, năm 2018 cả nước có hơn 9.700 người sốt phát ban nghi sởi (tăng hơn 20 lần so năm 2017), trong đó có 1.963 người dương tính bệnh sởi (tăng 13 lần so năm 2017). Ðáng lo ngại, hơn 50% số ca mắc sởi là do chưa tiêm vaccine sởi, số còn lại do không tiêm đủ mũi, tiêm không đúng lịch.
Bộ Y tế cho biết, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Bên cạnh đó, thời gian qua cũng ghi nhận nhiều người lớn mắc bệnh, trong đó có phụ nữ mang thai.
Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế ) cho biết, nhiều người lớn mắc sởi là do họ chưa từng tiêm sởi, chưa đáp ứng miễn dịch hoặc nhiều người chưa được tiêm phòng đầy đủ. Do đó, những đối tượng người lớn này khi nằm trong vùng có sởi sẽ dễ mắc sởi.
Để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế đã triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi. Cụ thể, tổ chức chiến dịch tiêm sởi - rubella tại 33 huyện của 6 tỉnh là Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La trong tháng 8/2018 cho 261.331/264.462 trẻ từ 1-5 tuổi, đạt tỷ lệ 96,15%. Bên cạnh đó, triển khai tiêm vaccine sởi tại 55 huyện thuộc 13 tỉnh nguy cơ cao.
Hiện nay, Bộ Y tế tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao năm 2018 -2019, cho khoảng 4,2 triệu trẻ tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố nguy cơ cao.
"Để có thể phòng chống được sởi cho các đối tượng cả trẻ em, người lớn, khuyến cáo chung của ngành y tế là mọi đối tượng cần tiêm chủng đầy đủ, ít nhất hai mũi trở lên. Chúng tôi khuyến cáo người lớn, đặc biệt là phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ, trước khi mang thai nên tiêm vaccine nhất định như sởi - rubella để trong thời gian mang thai có sinh miễn dịch, kháng thể miễn dịch được truyền cho con. Vì vậy, trẻ trong vòng chín tháng đầu sẽ tránh được sởi"- ông Đặng Quang Tấn cho biết.
Lo ngại bệnh sởi bùng phát theo chu kỳ
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo chu kỳ diễn biến của dịch sởi, sau 4-5 năm dịch sởi sẽ tái diễn trên quy mô lớn. Đặc biệt, trong năm 2018 vừa qua, số trường hợp mắc bệnh sởi đã gia tăng hơn năm 2017
Trên thế giới trong năm 2018 bệnh sởi vẫn ghi nhận tại 184/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt có sự gia tăng số mắc tới 2,6 lần tại khu vực châu Âu, trong đó có một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi.
Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện tiêm chủng vaccine. Đây là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất.
Đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vaccine sởi cần được tiêm vaccine tại các điểm tiêm chủng dịch vụ.
Để phòng bệnh sởi, mọi người cần hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.
Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng, vệ sinh khử khuẩn nơi sinh hoạt và vệ sinh môi trường, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, mầm bệnh. Đặc biệt, với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vaccine phòng bệnh người dân cần đưa trẻ đi tiêm vaccine theo lịch./.
Thy Hạt/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận