Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp.
Cuộc họp đã cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024. Theo đó, các đại biểu đánh giá: Năm 2023, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, KT-XH trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Có 12/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể: Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 1.700 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.229 triệu USD, đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ đô thị hóa đến cuối năm 2023 ước đạt 33,45%; tỷ lệ hộ nghèo ước giảm từ 15,49% xuống còn 12,29% (giảm 3,2%), vượt kế hoạch đề ra. Ước trong năm 2023, toàn tỉnh có 45 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách được chấp thuận chủ trương đầu tư; có 440 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, QP-AN, đối ngoại tiếp tục được giữ vững.
Tuy nhiên còn 7 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch đó là: tốc độ tăng trưởng; GRDP bình quân đầu người; tổng đầu tư toàn xã hội; tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN); năng suất lao động; tỷ lệ người dân tham gia BHYT; tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu chỉ rõ: Năm 2023, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Thị trường bất động sản đình trệ, ảnh hưởng rất lớn đến thu ngân sách; trong năm, ước thu NSNN chỉ đạt 60% dự toán của HĐND tỉnh, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất và thu từ bán tài sản dôi dư ước chỉ đạt 29% kế hoạch năm. Tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư còn chậm. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa cao, đặc biệt là các dự án sử dụng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn nước ngoài và vốn Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.
Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 xây dựng trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, tỉnh Hòa Bình đề ra một số chỉ tiêu: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 9%; GRDP bình quân đầu người đạt 85,08 triệu đồng; tổng thu NSNN đạt 5.000 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu đạt 2.000 triệu USD... Trong định hướng nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024, tỉnh Hòa Bình tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược; tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư…
Tại cuộc họp, các đại biểu nghe và cho ý kiến vào Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao đến tháng 10/2023; Báo cáo tình hình triển khai các dự án đầu tư trọng điểm dự kiến khởi công năm 2023 trên địa bàn tỉnh; dự thảo Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022; Tờ trình về việc ban hành Kế hoạch xúc tiến thương mại và du lịch tỉnh... cùng một số nội dung quan trọng khác.
Bên cạnh đó, tại cuộc họp đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh không phải là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Phát biểu kết luận, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố phát huy tinh thần trách nhiệm, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; khẩn trương triển khai và đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ, công việc để thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất - kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất những mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023 đã đề ra. Đối với kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Văn phòng UBND tỉnh và các ngành chức năng tiếp tục bám sát tình hình trong nước, quốc tế để có định hướng, dự báo sát với thực tế.
Đồng chí cũng nêu một số vấn đề nóng hiện nay cần các sở, ngành khẩn trương giải quyết, đó là: Công tác khai thác mỏ khoáng sản còn nhiều sai phạm, bất cập, đề nghị ngành TN&MT phối hợp với các sở, ngành hữu quan rà soát, tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Việc triển khai các dự án trọng điểm hiện chủ yếu liên quan đến công tác chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đề nghị Sở TN&MT chủ trì phối hợp với các sở, ngành, các huyện khẩn trương hoàn tất thủ tục pháp lý, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính chuyển đổi đất rừng, đất lúa để tiếp tục triển khai dự án.
Đặc biệt, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị phải thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính đối với các dự án thuê đất, sử dụng đất chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đất; kiên quyết xử lý thu hồi đối với các dự án chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Đinh Hòa (Theo HBĐT)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận