Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kết luận hội nghị.
Cho ý kiến Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án kè chống sạt lở, chỉnh trị dòng chảy, nạo vét gia cố bờ sông Bùi đoạn qua thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, hội nghị thống nhất đánh giá: Dự án nhằm đảm bảo khả năng thoát lũ cho khu vực, khắc phục tình trạng sạt lở đất; tạo nguồn khai thác quỹ đất ven sông, kết hợp chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch. Đồng thời, hình thành khu đô thị mới dọc sông Bùi, phát triển không gian đô thị hướng tới mục tiêu xây dựng thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn trở thành thị xã trong tương lai. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện dự án chậm tiến độ, các đại biểu cho rằng cần gia hạn thời gian thực hiện dự án để hoàn thành các hạng mục còn lại.
Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đồng tình thống nhất với Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án kè chống sạt lở, chỉnh trị dòng chảy, nạo vét gia cố bờ sông Bùi đoạn qua thị trấn Lương Sơn; giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh triển khai thực hiện việc điều chỉnh; đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Huyện Lương Sơn phối hợp cùng chủ đầu tư hoàn thành dự án trong năm 2025.
Sau khi nghe Báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước; dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2024 và phương án phân bổ ngân sách năm 2025, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Ngay từ đầu năm 2024, các cấp, các ngành của tỉnh tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý thu, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, hạn chế nợ đọng thuế, tăng cường chống thất thu thuế, khai thác tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Việc xây dựng dự toán thu, chi ngân sách năm 2025 phải theo đúng các quy định của pháp luật; trên cơ sở định mức chi thường xuyên, phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm điều tiết nguồn thu giữa các cấp ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022 - 2025. Cân đối, đảm bảo nguồn lực thực hiện các chế độ, chính sách do Trung ương và địa phương đã ban hành; quán triệt chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu lập dự toán, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đối với Tờ trình của Tiểu ban Văn kiện về dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII; tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; bài học kinh nghiệm; 5 đột phá phát triển và các dự án trọng điểm nhiệm kỳ 2025 - 2030; phát triển các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội; tiếp tục tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện hiệu quả công tác tư pháp; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế.
Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Tiểu ban Văn kiện tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại hội nghị; rà soát lại việc thực hiện triển khai đầu tư công trình giao thông, trường học, điện, trạm y tế, hạ tầng số nông thôn nhiệm kỳ 2020 - 2025; bổ sung một số công trình trọng điểm đưa vào văn kiện để triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ tới; cần có hành động cụ thể thực hiện 5 khâu đột phá của tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng nghe và cho ý kiến vào các tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về: điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Hòa Bình (lần thứ 8); về Kế hoạch đầu tư công năm 2025; việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, lĩnh vực an ninh, quốc phòng; về Kế hoạch đầu tư công năm 2025, lĩnh vực an ninh, quốc phòng và Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về dự thảo Báo cáo tình hình KT-XH 5 năm 2020 - 2025, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2025 - 2030.
( Theo HBĐT)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận