F0 trong trường học, phụ huynh lo lắng, giáo viên quay cuồng thực hiện nhiệm vụ kép
Sau hơn 1 tuần Hà Nội tổ chức dạy học trực tiếp với học sinh từ lớp 7 đến lớp 12, đến nay nhiều em lại buộc quay về hình thức học online do xuất hiện F0 tại trường. Những ngày này, không chỉ dạy học, giáo viên còn căng mình phòng chống dịch đảm bảo an toàn cho học sinh.
Vừa đi học được 1 tuần, con trai chị Nguyễn Thu Thủy (Tây Hồ, Hà Nội) lại buộc phải chuyển sang học trực tuyến ở nhà và theo dõi sức khỏe tại nhà do tiếp xúc gần với một học sinh khác cùng lớp là F0.
Luôn theo dõi sát sức khỏe của con, tự xét nghiệm nhanh Covid-19 cho con hàng ngày, chị Thủy hy vọng con trai sẽ bình an, nhanh chóng kết thúc 7 ngày cách ly với F1 để có thể trở lại trường: “Hiện nay Hà Nội có đến gần 4.000 ca F0 trong một ngày, việc đi học cũng khó tránh việc nay đi mai nghỉ do dịch bệnh. Tuy nhiên, là phụ huynh tôi cũng rất lo lắng khi con đi học trong mùa dịch. Song tôi cho rằng việc đi học thực sự cần thiết, nếu ở nhà học trực tuyến, bố mẹ còn lo ngại hơn nữa về vấn đề sức khỏe tinh thần của con, việc con nghiện game, chìm đắm trong không gian ảo…”, chị Thủy chia sẻ.
Chị Vũ Thu Hiền (Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết, ngày 14/2, lớp học của con chị phát hiện 1 học sinh có biểu hiện ho, sốt, qua xét nghiệm nhanh tại trường đã phát hiện dương tính với Covid-19. Nhà trường lập tức khoanh vùng, cách ly, khử khuẩn lớp học. Theo đó cả lớp đã có hơn 10 học sinh được xác định thuộc diện F1 do tiếp xúc rất gần với bạn F0.
“Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khi con đi học, bản thân tôi cũng rất lo lắng, luôn dặn dò con tuân thủ 1 cung đường 2 điểm đến, đồng thời đo thân nhiệt hàng ngày của con. Khoảng 3-4 ngày, tôi thường tự xét nghiệm nhanh tại nhà cho con. Dù việc đến trường trong thời điểm này không thực sự an toàn khi số ca mắc tại Hà Nội vẫn rất cao, song nếu các con tiếp tục ở nhà học trực tuyến cũng gặp rất nhiều bất cập. Chỉ đến trường sau vài ngày, nhưng tôi thấy tinh thần của con vui vẻ hơn, học tập cũng có hứng thú hơn rất nhiều”, chị Hiền chia sẻ.
Giáo viên căng mình làm nhiệm vụ "kép"
Cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, theo hướng dẫn của Trung tâm y tế quận Đống Đa, khi có F0 trong trường học, sẽ xét nghiệm nhanh cho giáo viên, học sinh trong lớp, sau đó toàn bộ học sinh được cách ly y tế từ 7-10 ngày.
Theo cô Hiền, tính đến ngày 15/2, toàn trường có hơn 10 lớp học trực tuyến do có F0 và con số này thay đổi theo từng ngày.
“Chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến của phụ huynh, cập nhật liên tục tình hình sức khỏe của học sinh để có sự chủ động, tránh xáo trộn trong lớp học, ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Tuy nhiên, khi thực hiện, nhà trường cũng phải tuân theo những chỉ đạo của Sở GD-ĐT, Trung tâm y tế quận Đống Đa. Dù trong các tình huống đều cần thực hiện linh hoạt, thích ứng nhưng vẫn phải theo quy tắc chung, đặc biệt là đặt mục tiêu an toàn cho học sinh lên hàng đầu”.
Còn theo cô Đặng Thị Ngọc Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội), nhà trường cùng lúc phải tổ chức dạy học trực tiếp và trực tuyến, cùng cố kiến thức cho học sinh. Hàng ngày nếu phát hiện giáo viên là F0, F1 thì phải có phương án thay thế, đổi giáo viên từ dạy trực tiếp sang trực tuyến.
Từ khi trở lại dạy và học trực tiếp, một ngày của cô Tạ Thị Cúc, giáo viên Trường THCS Ba Đình vất cả hơn rất nhiều, cô vừa phải dạy trực tuyến, trực tiếp và kết hợp cả 2 hình thức trên. Có những ngày, tiết 1 cô Cúc vừa dạy trực tiếp, tiết 2 lại chuyển sang dạy trực tuyến ở lớp khác, tiết 3 lại tất cả chạy về lớp mình chủ nhiệm dạy trực tiếp và livestream cho những học sinh học online tại nhà.
Việc dạy kết hợp trực tiếp và trực tuyến cũng đồng nghĩa với việc giáo viên phải liên tục linh hoạt áp dụng các phương pháp giảng dạy khác nhau do tính chất của 2 hình thức học này hoàn toàn khác nhau.
“Nếu như dạy online thì tôi chỉ cần nhắc nhở các con bật camera để theo dõi, nhưng khi dạy kết hợp thì rất khó quản lý học sinh học trực tuyến. Chúng tôi cố gắng tương tác, hỏi bài nhiều hơn để học sinh tập trung vào bài giảng”.
Dạy học trong mùa dịch, bên cạnh bài vở, những giáo viên như cô Cúc còn kiêm cả vai trò tư vấn, hướng dẫn học sinh về phòng chống dịch, động viên tập lý để học sinh, phụ huynh không hoang mang khi phát hiện F0 tại trường học.
Không chỉ giáo viên, mà nhân viên y tế tại các trường học cũng đang nỗ lực hết mình để đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trực tiếp.
Cô Nguyễn Thị Thu Hoài, nhân viên y tế Trường THCS Nguyễn Công Trứ cho biết, điều cô lo lắng là học sinh đi học không thực hiện đúng quy trình phòng chống dịch, dễ lây nhiễm chéo khi có F0.
“Lo nhất là không biết các em lây bệnh từ đâu, dù công việc y tế trong trường học làm theo quy trình, kịch bản nhưng vẫn không tránh khỏi áp lực, vất vả. Điều tôi mong muốn nhất hiện tại là các con được đến trường an toàn”, cô Hoài chia sẻ./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận