Những người thầy gieo “hạt mầm hy vọng”
Họ là những người thầy miệt mài gieo niềm tin và hy vọng vào từng bài giảng, từng ánh mắt ngây thơ của những học trò đặc biệt. Đó là hành trình đầy thử thách, nhưng cũng chất chứa những khoảnh khắc kỳ diệu để các em nỗ lực hòa nhập với cuộc sống.
15 năm qua, ngày nào cũng vậy, khi ánh mặt trời vừa chạm ngõ, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Cầu Vồng Xanh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã rộn ràng tiếng nói cười của học sinh rối loạn tự kỷ, chậm nói, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ, bệnh down, bại não, Hội chứng Criduchat… (gọi chung là trẻ khuyết tật).
Đằng sau những âm thanh ấy là công sức bền bỉ của những người thầy, người cô âm thầm gắn bó, vượt qua muôn vàn thử thách để mang đến tương lai cho các em. Mỗi ngày đến trường với các em không chỉ là một hành trình giáo dục, mà còn là câu chuyện về tình yêu, sự kiên nhẫn vô bờ bến của người thầy và sự đồng hành của gia đình.
“Cái duyên” dẫn lối đến nghề giáo dục đặc biệt
12 năm qua, cô Nguyễn Hồng Sinh, một trong những giáo viên kỳ cựu tại Trung tâm Cầu Vồng Xanh đã đồng hành với hàng trăm đứa trẻ đặc biệt. Mỗi em mang theo một câu chuyện riêng, một hoàn cảnh riêng, nhưng điểm chung là cần sự nâng đỡ dịu dàng từ những người thầy như cô.
Kể về quyết định chọn nghề, cô Sinh nhớ lại: “Ban đầu tôi học mầm non. Nhưng khi đến đây, gặp chị Hương là Giám đốc Trung tâm và trò chuyện rất lâu, tôi cảm nhận được sự đặc biệt ở nơi này. Sau lần đầu tiếp xúc với các em, tôi hiểu rằng đây là công việc mình cần làm”.
Hành trình bước vào thế giới của trẻ đặc biệt vốn không hề dễ dàng. Với trẻ bình thường, một lời nói đã đủ để hướng dẫn. Nhưng với trẻ khuyết tật, mọi thứ đều cần sự kiên nhẫn gấp bội. Theo lời của cô Sinh, chỉ riêng việc tìm ra phương pháp phù hợp đã là một thử thách lớn, đòi hỏi người thầy không ngừng học hỏi và điều chỉnh.
“Đôi khi, các em không nói, không nhìn, thậm chí không hợp tác nhưng điều đó chỉ khiến tôi quyết tâm hơn. Tôi không thể bỏ cuộc, vì mỗi bước tiến nhỏ của các em là cả một kỳ tích”, cô Sinh nghẹn ngào kể.
Câu chuyện của cô Nguyễn Thanh Hương, giáo viên trẻ tại trung tâm cũng bắt đầu từ một cơ duyên đặc biệt. Từng tham gia tình nguyện tại một trung tâm hỗ trợ trẻ khuyết tật, cô nhận ra trái tim mình thuộc về nơi này. Dù gia đình từng phản đối vì lo lắng cho sức khỏe và tương lai của cô, nhưng cô Hương vẫn quyết tâm đi theo tiếng gọi của trái tim.
“Làm nghề này vất vả hơn rất nhiều so với những gì tôi tưởng tượng. Nhưng mỗi lần thấy các em tiến bộ, dù chỉ là một lời nói hay một nụ cười, tôi đều cảm thấy mọi cố gắng thật sự xứng đáng”, cô giáo trẻ tâm sự với đôi mắt ánh lên niềm tự hào.
Với các giáo viên tại Cầu Vồng Xanh, thành quả không phải là những con số hay bảng điểm. Đó là khi một em lần đầu tiên gọi được tiếng “cô”, khi một ánh mắt dần trở nên thân thuộc, hay khi một bức tranh nguệch ngoạc được hoàn thành.
Cô Sinh nghẹn ngào chia sẻ: “Có em đã mất hàng tháng trời chỉ để tập nói từ "cô", nhưng khi em gọi được, cảm giác ấy giống như mọi nỗ lực đều được đền đáp. Mỗi ngày, các em giúp tôi hiểu rằng kỳ tích không nằm ở những điều lớn lao, mà là những bước đi nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa”.
Dù khó khăn chồng chất, cô Sinh cũng như các thầy cô tại Cầu Vồng Xanh vẫn luôn giữ vững niềm tin. Mỗi ngày đến lớp, họ đều nuôi một giấc mơ chung: Thấy các em bước ra thế giới với đầy đủ hành trang, tự tin và tự lập.
“Chỉ cần nghĩ đến việc nghỉ dạy, tôi lại lo các em phải bắt đầu lại với một người thầy mới. Điều đó khiến tôi không đành lòng”, cô Nguyễn Hồng Sinh chia sẻ bằng ánh mắt đầy trăn trở.
Với thầy Đỗ Hồng Phúc, người đã gắn bó 12 năm với trung tâm, hành trình giáo dục trẻ khuyết tật còn là hành trình của chính bản thân. Thầy từng nhiều lần đối mặt với sự bất hợp tác, phản kháng dữ dội từ các em. Nhưng thay vì nản lòng, thầy coi đó là cơ hội để hiểu và yêu thương các em hơn.
“Chúng tôi không xem những ngày khó khăn là thất bại. Đó là thử thách để học cách kiên nhẫn hơn, sáng tạo hơn. Mỗi em đều có một thế giới riêng, và nhiệm vụ của chúng tôi là tìm được chìa khóa để bước vào thế giới ấy”, thầy Phúc bày tỏ.
Trăn trở về tương lai của các em
Niềm vui nhỏ bé ấy đôi khi bị lấn át bởi những trăn trở lớn. Thạc sĩ Nguyễn Thùy Hương, Giám đốc Trung tâm không giấu được nỗi lo về tương lai của trung tâm và các em học sinh.
Cô tâm sự: “Giáo viên giáo dục chuyên biệt không được biên chế, thu nhập thấp, trong khi công việc đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và tâm huyết. Chúng tôi luôn cố gắng giữ chân đội ngũ nhưng vẫn lo thiếu hụt nguồn nhân lực trong tương lai”.
Không chỉ vậy, chi phí vận hành trung tâm và cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, khiến những dự định hướng nghiệp cho trẻ lớn tuổi bị chậm tiến độ. Cô Hương mong muốn trong thời gian tới sẽ xây dựng chương trình học nghề cho các em từ 15 tuổi trở lên, giúp các em tự làm việc nhà, học những công việc đơn giản và xa hơn là hòa nhập với xã hội. Nhưng mọi thứ vẫn đang dang dở vì thiếu kinh phí.
Hướng đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, các thầy cô hy vọng cộng đồng sẽ quan tâm hơn đến giáo dục chuyên biệt. Bởi sau những nụ cười ngây ngô của trẻ, là những hy sinh thầm lặng của những người thầy đã biến yêu thương thành động lực, biến khó khăn thành cơ hội để gieo những “hạt mầm hy vọng”.
Trung tâm Cầu Vồng Xanh (thuộc Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam) không chỉ là nơi trẻ khuyết tật học tập, mà còn là minh chứng sống động về sức mạnh của tình yêu thương và sự bền bỉ. Ở đó, những người thầy vẫn ngày ngày cần mẫn viết nên câu chuyện về niềm tin, lòng kiên nhẫn và ước mơ cho một ngày mai tươi sáng hơn.
KHÁNH NGÂN
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/nhung-nguoi-thay-gieo-h...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận