Đề xuất chính sách cho nhà giáo theo kinh nghiệm quốc tế
Ngày 26-11, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo tham vấn quốc gia về Khung chính sách và pháp lý dành cho nhà giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam.
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Luật Nhà giáo. Hội thảo gồm 2 phiên thảo luận về vai trò chuyển đổi của nhà giáo: Bối cảnh toàn cầu, hướng dẫn và kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách; hoàn thiện khung chính sách và pháp lý đối với nhà giáo: Các đề xuất cho Việt Nam.
Thông qua các bài thuyết trình của các chuyên gia UNESCO, những người tham dự đã có cái nhìn tổng quan về vai trò của nhà giáo ngày nay. Các đại biểu cũng được giới thiệu về hướng dẫn xây dựng chính sách nhà giáo, một công cụ hữu ích và thiết thực để định hướng cho việc xây dựng và xem xét các chính sách quốc gia về nhà giáo thông qua việc giải quyết các thành tố khác nhau trong chính sách nhà giáo và cách các thành tố này tác động lẫn nhau, góp phần xây dựng chính sách quốc gia về nhà giáo dựa trên minh chứng như một thành phần tích hợp trong các kế hoạch hoặc chính sách của cả ngành giáo dục phù hợp với các kế hoạch và chiến lược phát triển quốc gia nói chung.
Trao đổi về quá trình soạn thảo Luật Nhà giáo và xin ý kiến đóng góp, đồng chí Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ: “Luật Nhà giáo đã và đang được soạn thảo kỹ lưỡng thông qua nghiên cứu và tham vấn rộng rãi để bảo đảm tạo động lực và củng cố tất cả nhà giáo trở thành những lực lượng có trình độ, tận tụy, có trách nhiệm và thành thạo trong nghề này, cho dù họ ở đâu. Chúng tôi đánh giá cao những cuộc đối thoại như vậy với những người tham gia trong nước và quốc tế thông qua hội thảo hôm nay”.
Bà Valerie Djioze-Gallet, đại diện Ban Phát triển Nhà giáo viên (Trụ sở chính của UNESCO) đã phát biểu: “UNESCO hoan nghênh chương trình nghị sự hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường các chính sách và luật pháp dành cho nhà giáo và sẵn sàng phối hợp cùng Văn phòng UNESCO Hà Nội tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm giải quyết các thách thức, chẳng hạn như việc ra quyết định dựa trên dữ liệu và minh chứng liên quan đến nhà giáo, tình trạng thiếu hụt nhà giáo và phát triển chuyên môn...”.
Tin, ảnh: THANH PHƯƠNG
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/tin-tuc/de-xuat-chinh-sach-cho-nha...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận