Sinh viên đi học trở lại: Cần truyền thông để các em yên tâm, không đơn độc giữa mùa dịch
Để chuẩn bị cho việc học trực tiếp, nhiều sinh viên ngoại tỉnh đã lên Hà Nội khá sớm so với lịch học. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn yêu cầu các trường cần làm công tác tâm lý, truyền thông để sinh viên yên tâm, không cảm thấy đơn độc giữa mùa dịch ở thành phố.
Ngày 14/2, sinh viên một số trường đại học đã chính thức trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến để phòng chống dịch. Nguyễn Tiến Trung, sinh viên năm 3 ĐH Kinh tế quốc dân vui mừng khi được quay trở lại trường học trực tiếp. Nam sinh chia sẻ, trong thời gian học online, dù cả thầy và trò đều rất cố gắng, song hiệu quả vẫn không như mong đợi, việc tương tác trong lớp học trực tuyến gặp nhiều hạn chế.
Sinh viên hào hứng trở lại trường.
Quê tại Điện Biên, để chuẩn bị cho việc học trực tiếp, Trung quyết định xuống Hà Nội ngay từ mùng 5 Tết để chuẩn bị tìm nhà trọ, ổn định chỗ ở, sẵn sàng cho việc học trực tiếp. "Khi về quê tránh dịch, em cũng đã trả lại nhà, thời điểm này nhiều trường cho học sinh đi học trở lại, lượng sinh viên thuê nhà đông, nên em rất lo lắng sẽ khó tìm được nhà trọ phù hợp, thuận tiện đi lại. Em quyết định xuống Hà Nội sớm hơn để chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện ăn ở và học tập tại thành phố", Trung chia sẻ.
Sau 9 tháng mới được trở lại trường, Trần Ngân Hằng (ĐH Kinh tế quốc dân) chia sẻ: “Dù là sinh viên năm 2, nhưng một thời gian rất dài mới được trở lại trường, em cảm thấy háo hức như ngày đầu tiên nhập học của năm nhất. Trước khi trở lại trường, em đã chuẩn bị đầy đủ nước sát khuẩn tay, khẩu trang y tế để thay trong suốt buổi học. Trong thời gian học trực tuyến, dù vẫn có thể tiếp nhận kiến thức song em cảm thấy tâm lý không thoải mái và hào hứng bằng việc học trực tiếp, khi được đến trường gặp thầy cô bạn bè, em rất phấn khởi, hứng thú học tập hơn rất nhiều”.
Dương Thị Tươi, sinh viên năm 2 ĐH Giao thông vận tải cũng đầy hứng khởi trong buổi học đầu tiên: “Trong suốt 2 năm qua, hầu hết thời gian học của chúng em đều diễn ra trực tuyến. Được quay lại trường, khung cảnh vừa lạ vừa quen, em cảm thấy rất háo hức và vui khi được gặp lại thầy cô, bạn bè. Trong thời gian học trực tuyến, em thấy không thực sự hiệu quả vì khó tập trung hơn so với học trực tiếp”.
Để chuẩn bị đi học trở lại, nữ sinh quê Nam Định cũng đã lên Hà Nội từ rất sớm ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để tìm nhà trọ, mua sắm các vật dụng cần thiết phụ vụ cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày cũng như học tập. "Trong một vài ngày đầu, em phải ở nhờ nhà các bạn để có thời gian tìm thuê nhà. Đến nay sau khi tìm được nhà trọ em cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều để học tập", Tươi nói.
Đi học trực tiếp trong mùa dịch, bản thân Tươi cũng khá lo ngại về dịch bệnh, do đó em luôn chủ động theo dõi sức khỏe, tự test Covid-19, cũng như khai báo y tế đầy đủ, chấp hành nghiêm 5K khi trở lại trường.
Lên kế hoạch test Covid-19 định kỳ cho sinh viên
Tại ĐH Kinh tế quốc dân, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để đảm bảo an toàn trong công tác phòng dịch, nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp khác nhau, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, bố trí các khu vực dạy học, sinh hoạt của sinh viên, khu vực cách ly, đảm bảo giãn cách. Bên cạnh đó, nhà trường cũng yêu cầu toàn bộ sinh viên khai báo y tế, những sinh viên từ địa phương khác trở lại Hà Nội phải tự test Covid-19 trước khi trở lại trường. Riêng với sinh viên đăng ký ở tại ký túc xá sẽ được bộ phận y tế trường test nhanh trước khi vào ở. ĐH Kinh tế quốc dân cũng bố trí một khu riêng phục vụ cách ly khi phát hiện sinh viên đang sinh sống tại ký túc xá hoặc sinh viên ngoại trú mắc Covid-19.
Còn tại ĐH Kỹ thuật công nghiệp (ĐH Thái Nguyên), PGS.TS Nguyễn Duy Cương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường tổ chức đào tạo theo hình thức cuốn chiếu và bắt đầu học trực tiếp từ ngày 14/2. Để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, tất cả sinh viên trở lại trường đều được test Covid-19. Ngoài ra, nhà trường cũng đã có kế hoạch test định kỳ cho sinh viên và chuẩn bị đầy đủ máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp cũng đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết nhằm ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra khi sinh viên trở lại học trực tiếp. Hiện, nhà trường dành riêng một khu để cách ly F0 (nếu có). Với những trường hợp đặc biệt, đội ngũ y tế sẽ chủ động liên hệ với cơ quan y tế địa phương để ứng phó kịp thời.
Qua công tác kiểm tra, đánh giá thực tế tại các trường đại học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, về cơ bản các trường đã chuẩn bị kỹ lưỡng điều kiện, kế hoạch tổ chức lớp học trực tiếp, lên phương án xử lý nếu có F0 khi sinh viên trở lại trường học, đặc biệt với các em đang sống trong ký túc xá.
“Sự chuẩn bị này thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như sự sẵn sàng của các trường đại học khi dạy học trực tiếp. Bên cạnh việc tự chuẩn bị, các trường cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để lên phương án phòng dịch. Bậc đại học khác với phổ thông ở chỗ sinh viên đến từ rất nhiều tỉnh, thành khác nhau, mỗi nơi lại có tình hình dịch bệnh riêng, do đó các trường cũng đã lên phương án để theo dõi sát nhất tình hình sức khỏe của các em”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, trong thời gian tới các trường đại học cần quyết tâm, mạnh dạn hơn nữa trong tổ chức dạy và học trực tiếp, song cũng không lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh. Đặc biệt, các trường cần đẩy mạnh công tác truyền thông để sinh viên yên tâm hơn khi đến trường, để các em cảm thấy mình không đơn độc, luôn có nhà trường, bạn bè, ký túc xá và cả chính quyền địa phương sẵn sàng hỗ trợ. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng đề nghị các trường đại học chủ động chia sẻ những cách làm hay trong phòng chống dịch để cùng học hỏi.
Về vấn đề hiện nay nhiều trường đại học khuyến khích sinh viên test nhanh Covid-19 hoặc xét nghiệm đồng loạt cho sinh viên trước khi trở lại trường, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, xét về tâm lý chung, sinh viên cũng sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi những bạn bè thầy cô xung quanh mình không nhiễm bệnh. Việc xét nghiệm được thực hiện theo cách khác nhau ở các trường, Bộ GD-ĐT đang tiếp tục lắng nghe và sẽ có trao đổi với Bộ Y tế để hướng dẫn kịp thời./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận