Kết nối tiêu thụ hàng Việt - cần sự đồng hành từ cơ quan chức năng và chính quyền
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động kết nối mua bán, trao đổi, cung cấp tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa đang đặt ra yêu cầu chi tiết, cụ thể để đảm bảo lưu thông hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng một cách ổn định, không tăng chi phí và đảm bảo chất lượng.
Vai trò đẩy mạnh hoạt động kết nối lưu thông hàng hóa trong nước của các doanh nghiệp, nhà bán lẻ rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Ngoài sự chủ động của chính doanh nghiệp, thì sự hỗ trợ của Bộ Công thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành sẽ tạo điều kiện lưu thông hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ được thông suốt, trên cơ sở vướng mắc ở khâu nào, sẽ gỡ ngay ở khâu đó.
“Chúng tôi gặp khó khăn trong vận chuyển hàng hóa thiết yếu và hàng hóa phòng chống dịch. Vì “vướng” chốt kiểm dịch. Khi hàng hóa đến Hải Dương bị ngăn lại thì cán bộ Sở Công Thương đến tận chốt kiểm dịch thuê xe “tăng bo” hàng tới siêu thị. Đó là sự hỗ trợ đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước. Hay trong buổi làm việc với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới đây, khi chúng tôi nói có chuỗi siêu thị hàng trăm điểm. Ngay lập tức Bộ trưởng nhấc máy gọi cho Bí thư Bắc Giang kết nối để đưa hàng hóa từ Bắc Giang vào hệ thống hàng trăm điểm bán lẻ của BGR. Chỉ 3 ngày chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản của Bắc Giang đã được đưa vào chuỗi bán lẻ. Điều này giúp cho doanh nghiệp chủ động tự tin cung cấp hàng hóa cho người dân”, ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch Công ty TNHH Bán lẻ BRG lấy ví dụ.
Yêu cầu tiếp theo, rất quan trọng, đó là chất lượng hàng hóa tiêu dùng phải đảm bảo. Dứt khoát không để tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để cung cấp hàng hóa không đảm bảo chất lượng tới tay người tiêu dùng với giá cả mỗi nơi một kiểu.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ, đề nghị, chính quyền địa phương các cấp phải tích cực vào cuộc, để đảm bảo đúng hàng, đúng giá, tránh “à uôm” về chất lượng sản phẩm.
“Để hàng hóa lưu thông trên thị trường trong thời điểm dịch bệnh, chính quyền địa phương sát sao hơn với các nhà sản xuất, để không có sự “à uôm” giữa hàng hóa đảm bảo chất lượng với hàng hóa trôi nổi, với danh nghĩa hỗ trợ. Chúng tôi bao giờ cũng đặt sản phẩm uy tín nhà bán lẻ lên hàng đầu. Do vậy, chúng tôi mong chính quyền địa phương cùng với các cơ quan ban ngành sở tại, giám sát để hiện thực hóa mục tiêu kép, vừa không ảnh hưởng đến nền kinh tế, vừa không ảnh hưởng tới việc phòng chống dịch bệnh”, bà Hậu kiến nghị.
Trong những lúc “nước sôi lửa bỏng” do dịch bệnh, thì sự nhanh nhạy, kịp thời trong quản lý điều hành và phối hợp, hỗ trợ đồng hành với doanh nghiệp từ phía các bộ, ngành, địa phương rất có ý nghĩa. Đây cũng chính là cách thức để toàn xã hội tập trung hiện thực hóa mục tiêu kép của Chính phủ: vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Quán triệt tinh thần này, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các cơ quan chức năng của ngành: “Theo dõi diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ đánh giá cung cầu các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu để chủ động của các phương án để có thể giải quyết được những khó khăn, vướng mắc nhằm mục tiêu là cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống và sinh hoạt của người dân không để xảy ra tình trạng thiếu hàng và sốt giá”.
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân, Bộ Công Thương cũng vừa có văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh thành phố chủ động xây dựng các phương án ứng phó để sẵn sàng cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường, có các biện pháp hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản và hướng dẫn việc thu mua, tiêu thụ hàng hóa, nông sản tại các vùng có dịch Covid-19./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận