“Vaccine tinh thần” giúp học sinh vượt khủng hoảng do học online kéo dài
Bảo đảm sức khỏe tâm lý cho học sinh khi học trực tuyến trở thành vấn đề đáng báo động. Thời gian qua xảy ra những vụ việc thương tâm bởi sang chấn tâm lý đã diễn ra với học sinh.
Đại dịch COVID-19 đã sang năm thứ 3, học sinh nhiều nơi phải chuyển đổi từ hình thức học trực tiếp sang trực tuyến, không được đến trường trong thời gian dài. Các hoạt động giáo dục của thầy và trò đều thực hiện tương tác trên môi trường internet, nhất là bị hạn chế hoạt động giao lưu đã ảnh hưởng tâm lý nhiều học sinh. Bảo đảm sức khỏe tâm lý cho học sinh trở thành vấn đề đáng báo động. Thời gian qua xảy ra những vụ việc thương tâm bởi sang chấn tâm lý đã diễn ra với học sinh.
Mệt mỏi, căng thẳng, luôn lo lắng, không muốn giao tiếp xã hội… đó là những vấn đề tâm lý của đa số học sinh khi học trực tuyến kéo dài trong bối cảnh phòng, chống COVID-19 diễn biến phức tạp. Học online lâu ngày, tinh thần học tập của học sinh rất uể oải. Thay vì động viên, khuyên nhủ, một số thầy cô giáo có những giao tiếp manh tính mệnh lệnh đầy vô cảm “Ai không bật mic, bật cam- kích ra khỏi lớp”: "Ở trong nhà hàng ngày thì con căng thẳng hơn rất nhiều. Ngày nào cũng vùi đầu vào sách vở. Việc tâm lý ảnh hưởng thế thì nó cũng sẽ ảnh rất nhiều đến việc học.
Kỳ thi đến, em luôn cảm thấy bất an, em thường xuyên tâm sự với nhau về những khó khăn, vướng mắc trong việc học. Một số bạn thì vấn đề về sức khỏe, một số bạn thì lại là vấn đề về điều kiện.
Nhiều khi em không thể nào bắt kịp được với những gì thầy cô giáo nói. Đôi khi thì nhìn vào xong rồi thấy rất là mệt".
Rõ ràng học trực tuyến trong thời gian dài khiến trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, tăng áp lực tâm lý, thậm chí stress đã hiện hữu và phát triển mức độ từng ngày. Không chỉ thể chất mà sức khỏe tinh thần của học sinh cũng bị ảnh hưởng, đó là tăng bực bội, cáu gắt, lo lắng, giảm khả năng tập trung… và còn làm giảm kỹ năng tương tác, giao tiếp.
Chị Đinh Thị Tuyết Mai, ở cầu Giấy, Hà Nội, lo lắng: "Sau một thời gian dài học trực tuyến thì cho đến lớp 9 thì hầu như sau mỗi lần kiểm tra con đều bị tụt điểm đi. Ví dụ như là cháu đang từ 8 thì tụt xuống 5 điểm, 5 điểm rưỡi và 6 điểm. Đặc biệt là tâm lý của cháu tôi thấy hay cáu gắt do bị ức chế do phải học thời gian dài trực tuyến, không được giao lưu, không tiếp xúc nhiều. Hơn nữa là tâm lý lứa tuổi nên dễ có những bộc phát".
So với phương pháp học trực tiếp, học trực tuyến không thỏa mãn và tạo hứng thú với 74% học sinh. Trong khi đó, trước áp lực thành tích học tập, sự kỳ vọng của phụ huynh, thầy cô... đã làm cho trẻ sợ hãi, lo lắng, có thể bột phát thành những hành động tiêu cực gây hậu quả nghiêm trọng.
Chuyên gia tâm lý Trần Thu Hương cho rằng nhiều trẻ bị phó mặc tự đối diện với tình trạng tinh thần bất ổn của mình: "Không ít các bố mẹ thì nghĩ rằng là các con hư, các con không ngoan, các con không biết nghe lời. Các bố các mẹ thì bỏ lửng đấy, tức là cho các con tự giải quyết các vấn đề. Vì vậy thì nó sẽ tạo ra những sự xung đột mâu thuẫn rất lớn trong gia đình giữa bố mẹ với con cái, cho đến khi vấn đề của các con còn nặng hơn, nhiều và thậm chí là có những hệ quả lớn thì các bố, các mẹ mức điểm nhận ra rằng mình phải làm những công việc hỗ trợ cho các con, đến đấy thì muộn".
Giảm áp lực cho trẻ bằng sự quan tâm tinh tế của cha mẹ, thầy cô là liều vaccine tinh thần tốt nhất để giúp cho học sinh vượt qua khủng hoảng do học online kéo dài. Do đó, cha mẹ và thầy cô giáo cũng cần có kỹ năng cân bằng cảm xúc để đồng hành cùng con cái, học trò có niềm tin vào bản thân, có thái độ tích cực để sống tốt, học tốt.
Bà Bùi Thị Hồng Thái, Trung tâm nghiên cứu liên ngành các Khoa học xã hội cho biết: "Đứa trẻ cần phải được học cách bày tỏ, nói ra một cách phù hợp. Muốn học được cách đó thì không ai khác, nếu trong giai đoạn hiện nay chỉ có cha mẹ mình có thể giúp trẻ được điều này bằng cách lắng nghe trẻ, lắng nghe không phán xét, chấp nhận cả những khi mà trẻ có những cảm xúc tiêu cực. Chấp nhận đấy không đồng nghĩa với việc chúng khích lệ để cho trẻ tiếp tục có những cảm xúc tiêu cực, mà chấp nhận để cho trẻ dịu bớt đi đã, rồi chúng ta sau đó giải thích cho trẻ, để giúp trẻ, hướng cho trẻ cách bày tỏ cho phù hợp".
Thích ứng an toàn, tại nhiều địa phương đã cho học sinh đi học trở lại, thế nhưng việc mở cửa lại trường học chưa thường xuyên do dịch COVID- 19 vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt là sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều địa phương đã lên kế hoạch cho học sinh trở lại trường, trong đó có nhóm trẻ mầm non để phụ huynh sớm trở lại công tác bình thường.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, do phải học trực tuyến kéo dài nên các nhà trường cần chủ động chăm lo tinh thần của học sinh học trở lại: "Các nhà trường ngoài việc có giải pháp để bổ sung kiến thức cho các em, thì phải quan tâm tới việc là động viên và làm sao để mà có những hỗ trợ về mặt tâm lý cho các em. Điều này vô cùng quan trọng bởi vì khi mà các em phải học trực tuyến kéo dài, thì khi quay trở lại trường, rõ ràng là các em sẽ có những tác động tâm lý mà chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng học tập. Đây là điều mà các gia đình, các địa phương và đặc biệt là các nhà trường phải thực sự quan tâm và có giải pháp cụ thể".
Kết thúc học kỳ 1 năm học 2021-2022, cả phụ huynh, học sinh và giáo viên đều cảm thấy áp lực rất nhiều trong quá trình học online. Một trong những việc thiết thực nhất để ủng hộ thầy, trò trong bối cảnh học trực tuyến là cần tiếp tục xem xét giảm tải thực sự cả về nội dung và thời gian học cho các cấp, đặc biệt là những học sinh nhỏ tuổi... Bên cạnh trao lời khen ngợi học sinh để các con có thêm động lực trong việc học, cũng như động lực để các con chủ động kết nối với giáo viên thì việc tích cực tổ chức các hoạt động hỗ trợ cũng là cách giúp các em trở lại nhịp sống học đường./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận