Trẻ lớp 4 đã tự tạo và dùng facebook: Nên vẽ đường cho trẻ chạy đúng hướng trên mạng?
Trong mùa Covid-19, khi hoạt động học trực tiếp tại nhiều địa phương vẫn phải tạm dừng, chuyển sang học trực tuyến, thời gian học sinh sử dụng mạng xã hội càng nhiều hơn. Bên cạnh những tiện ích mang lại, điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Nói về vấn đề tác động của mạng internet đối với môi trường học đường và trực tiếp là giáo viên và học sinh, GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, cùng với những ưu điểm vượt trội thì ảnh hưởng tiêu cực của “không gian ảo” cũng dần bộc lộ một cách rõ nét. Với chế độ mở, không qua khâu kiểm duyệt, nội dung nên trên mạng luôn có những chuỗi, khối không tin khổng lồ, đa diện và không kiểm soát. Phân tích trên bình diện tin, có không ít thông tin xấu độc hại, sai sự thật, thiếu kiểm chứng khiến người nhận tin nhầm tưởng. Phân tích trên bình diện ý nghĩa tương tác, khá nhiều tin tác động tiêu cực đến đời sống xã hội gây bức xúc, hoang mang trong dư luận…
GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: Thanh niên
“Mạng xã hội đang trở thành kênh được quan tâm mỗi ngày như nhu cầu thiết yếu đối với nhiều người, hay cũng có thể thấy mạng xã hội trở thành kênh truyền thông nhiều kiểu, đa dạng, cập nhật, sáng tạo bất tận. Bất kể sự việc gì “hot” đều được phát sóng trực tiếp một cách nhanh chóng mà không cần xem xét đến nội dung hay tính nhân văn của nó. Các sự kiện, các vấn đề hay tình huống xã hội đã thu hút nhiều người trong đó có cả nhiều học sinh tham gia ở các “vai” khác nhau. Ngày vui thì chia sẻ với đủ câu từ nhạy cảm, các hành vi thiếu kiểm soát, ngày buồn thì cũng livestream để hút người xem nhằm tăng lượt view… Có thể thấy mạng xã hội chuyển đổi toàn bộ cách thức sinh hoạt, học tập, làm việc, giao tiếp, vui chơi, giải trí khi bản thân nó đã thu hút, đáp ứng, lôi cuốn và định vị kiểu làm việc, giao tiếp, tương tác đặc thù.
Nguy hiểm hơn những kẻ lợi dụng livestream để chửi bới, thách thức nhau trở thành “thần tượng mới’ của nhiều người trong đó có cả những học sinh, sinh viên”, GS.TS Huỳnh Văn Sơn lo ngại.
Cũng theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, người sử dụng internet dần trẻ hóa và có xu hướng gia tăng, được thể hiện rõ ở học sinh, giáo viên và nhiều nghề nghiệp khác, trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu này càng tăng nhiều hơn.
“Người dùng internet có biểu hiện trẻ hóa khi thực tiễn sử dụng cho thấy chính học sinh tiểu học đã biết vào mạng, sử dụng facebook với nhiều nhu cầu khác nhau. Nghiên cứu của chúng tôi vào năm 2020 trên trẻ em tiểu học cho thấy từ 10%-20% học sinh lớp 3 đã tiếp xúc với internet và thực hiện thao tác truy cập, tìm kiếm trên các cổng thông tin, các trang khác nhau. Cũng ở tuổi này và dần sang học sinh lớp 4 trên 15% học sinh bắt đầu chơi facebook cá nhân và trong số đó có hơn 1 nửa các em tự tạo facebook cho mình”, GS.TS Huỳnh Văn Sơn nói.
Trong mùa dịch Covid-19, thời gian trẻ sử dụng internet tăng cao, bên cạnh những tiện ích về học tập, tra cứu thông tin, giải trí, môi trường mạng cũng tiềm ẩn không ít nguy hại. (Ảnh minh họa)
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, số người dùng internet ngày càng trẻ hóa, nhưng điều đáng ngại là nhiều người trong số đó lại chưa được hướng dẫn hay trang bị những kỹ năng cần thiết. Chưa kể đến việc mạng xã hội với tính năng phân tích độ tuổi, nhu cầu dựa trên hành vi sử dụng có thể quảng cáo, dẫn dắt liên tiếp người dùng thậm chí là lôi kéo vào những trang mạng có vấn đề về tư tưởng.
Trăn trở với những giáo viên tự xưng danh trên mạng
Nói về tác động của internet trong môi trường học đường, GS.TS Huỳnh Văn Sơn cũng lo ngại với các tính năng vượt trội của internet và sức thu hút của các khóa học trực tuyến (cả thu phí và miễn phí), khá nhiều diễn giả, người nổi tiếng, người huấn luyện và cả giáo viên các cấp xuất hiện trở thành giáo viên trên mạng. Song điều đáng nói là với sức ép của người học ảo, không ít khóa học đã khai thác hình ảnh giáo viên trên mạng phải độc đáo, mới lạ, cá tính. Từ đây, không ít hành vi, cử chỉ, cách nói năng và cả các hệ lụy xảy ra xung quanh cách triển khai lời giảng, cách cư xử hay ứng xử với người học.
“Thực tế cho thấy để có thể nổi danh hay thu hút nhiều học sinh, vẫn có nhiều giáo viên mạng có khả năng, có sự đầu tư nhưng cũng không quá ít người dù không kinh qua các khóa huấn luyện chuyên biệt để trở thành giáo viên hay có các chứng chỉ nghiệp vụ có liên quan đã xưng danh thầy cô mà thiếu sự cẩn trọng về sự tương tác một cách rất mạnh mẽ đến người học từ phẩm chất, năng lực để tạo thành văn hóa", GS.TS Huỳnh Văn Sơn nói.
Bên cạnh đó, khi mạng xã hội phát triển, các diễn đàn là cộng đồng mới được mở ra để trao đổi và chia sẻ, tương tác. Không chỉ chia sẻ các thông tin tích cực mà nhiều diễn đàn bắt đầu nói xấu về nghề giáo, về đồng nghiệp, học sinh, dần tạo ra những cái nhìn tiêu cực, có khi là méo mó về nghề, những đánh giá chủ quan để lan truyền các quan điểm có vấn đề về học đường cũng bắt đầu xuất hiện.
Điều đáng ngại hơn cả theo GS Sơn là việc mua bán giáo án hay kế hoạch bài dạy, sang kiến kinh nghiệm, báo cáo tổng kết hay các bài làm sau các khóa tập huấn được quảng bá, giao dịch công khai trên các hội nhóm bởi chính những người làm nghề giáo. Đây là một nỗi buồn bởi chính học sinh, phụ huynh và nhiều người khác đều nhìn thấy và biết rõ.
Nhận định việc xây dựng văn hóa mạng trong bối cảnh chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là xây dựng văn hóa mạng trong môi trường học đường, GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, các nhà trường cần đẩy mạnh các biện pháp như phổ biến về Luật An ninh mạng và quy tắc ứng xử trên mạng xã hội hiệu quả. Bên cạnh đó, cần chú ý bồi dưỡng cho giáo viên một cách căn bản, có tầm nhìn về việc sử dụng internet, nhất là kỹ năng chuyển đổi số và phát triển các giá trị văn hóa học đường trên không gian mạng.
Ngoài ra, việc hỗ trợ học sinh làm quen, khai thác và sử dụng internet một cách chủ động là vô cùng quan trọng.
“Có thể khẳng định việc cấm trẻ em hay học sinh sử dụng internet là rất khó khăn, vì vậy cần tạo điều kiện để trẻ hiểu đúng và làm chủ internet, mạng xã hội từ đầu. Nếu việc vẽ đường phù hợp và tạo ra đường đi đúng để học sinh và trẻ em khai thác internet thì tại sao chúng ta không làm? Không chỉ là việc hướng dẫn các thao tác, kỹ năng mà các chia sẻ về nguyên tắc bảo mật thông tin cá nhân, quản lý tài khoản, ứng xử với người lạ hay các tình huống có nguy cơ, quản lý thời gian sử dụng internet, mạng xã hội, các biểu hiện văn hóa trên môi trường mạng, trách nhiệm của học sinh với an ninh mạng và ứng xử mạng văn minh là không thể thực hiện chậm trễ’, GS.TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.
Từ góc độ quản lý, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng cho rằng cần sự tăng cường giám sát của các bộ ngành có liên quan nhất là các biện phát quản lý hệ thống, toàn cục./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận