Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ trong giáo dục đại học
Bộ GD&ĐT định hướng năm học 2021-2022, sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ trong giáo dục đại học, đồng thời, chú trọng bảo đảm chất lượng.
Hoàn thành nhiệm vụ với một số điểm nhấn
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm học 2020-2021, hệ thống giáo dục đại học đã ứng phó tốt với dịch bệnh. Đến thời điểm này, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã hoàn thành nhiệm vụ năm học, trong đó có cả nhiệm vụ tham gia tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, vẫn còn một số trường khu vực miền Trung, miền Nam đang gặp rất nhiều khó khăn và một số trường thuộc khối y dược, công an, quân đội đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các tỉnh phía nam nên chưa thể kết thúc năm học.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy, điểm nhấn trong năm học vừa qua của giáo dục đại học là tự chủ đại học được tăng cường; mô hình quản trị đại học có sự chuyển biến, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học trong mọi mặt hoạt động từ tài chính, nhân sự đến chuyên môn học thuật, tạo ra sự bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo ra diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Đến nay, đã có 142/175 cơ sở giáo dục đại học công lập kiện toàn hội đồng trường, trong đó 34/35 đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT đã kiện toàn hội đồng trường.
Tên tuổi của một số cơ sở giáo dục đại học (ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân) tiếp tục có tên trong một số bảng xếp hạng có uy tín của thế giới trong năm 2021 như Times Higher Education (THE), Center of World University Rankings (CWUR) ở một số tiêu chí đánh giá cụ thể.
Bộ GD&ĐT đã tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và ban hành mới một số văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, gắn với yêu cầu hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng đào tạo; duy trì những quy định hiệu quả có tính ổn định lâu dài; khắc phục những hạn chế, tồn tại của các văn bản đã ban hành trước đây, bảo đảm tinh gọn, có tính hệ thống và đẩy mạnh liên thông giữa các trình độ giáo dục đại học.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Việc triển khai tự chủ đại học còn chậm, có nơi còn lúng túng; chưa chủ động đổi mới phương pháp dạy và học để khai thác thế mạnh của công nghệ. Một số cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh tốt nhưng chưa đầu tư về các điều kiện bảo đảm chất lượng tương xứng với quy mô đào tạo (thiếu nguồn lực). Trong khi đó, một số trường hoạt động kém hiệu quả, tuyển sinh thấp so với năng lực. Ngoài ra, số lượng chương trình đào tạo của giáo dục đại học được kiểm định chưa tăng nhiều.
Đẩy mạnh tự chủ đại học và chú trọng bảo đảm chất lượng
Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho biết, định hướng năm học 2021-2022, giáo dục đại học sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ; khẩn trương rà soát, cập nhật các quy định liên quan để xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của trường; đề án vị trí việc làm; quy định đào tạo các trình độ giáo dục đại học; quy định về nghiên cứu khoa học; quy định về bảo đảm chất lượng bên trong…
Đồng thời, thành lập hội đồng trường theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; khẩn trương kiện toàn hiệu trưởng, ban giám hiệu và các chức vụ quản lý khác trong nhà trường (với các trường đã thành lập hội đồng trường); tập trung rà soát, sắp xếp, tổ chức bộ máy theo quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP.
Bà Nguyễn Thu Thuỷ nhấn mạnh, công tác bảo đảm chất lượng tiếp tục được chú trọng. Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này cũng như các chính sách để kiện toàn, củng cố, tăng cường hệ thống kiểm định chất lượng; đẩy mạnh hoạt động bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng; tích cực triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo.
Mục tiêu đến năm 2025, trên 35% chương trình đào tạo nói chung, 100% chương trình đào tạo giáo viên ở tất cả các trình độ được kiểm định; phấn đấu có 2 cơ sở giáo dục đại học lọt tốp 100, 10 cơ sở lọt tốp 400 châu Á, 4 cơ sở lọt tốp 1.000 thế giới.
Năm học tới, giáo dục đại học cũng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo đó, Bộ GD&ĐT và các cơ sở GD&ĐT tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục đại học. Nhà trường rà soát và thực hiện số hóa thông tin, quản lý theo chuẩn dữ liệu của cơ sở dữ liệu giáo dục đại học; ban hành quy định quản lý, xây dựng, sử dụng cơ sở dữ liệu...
Nhật Nam( nguồn Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận