"Môn Lịch sử còn mang tính đánh đố học sinh nhớ con số, địa điểm và địa danh"
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, học sinh không hứng thú học môn Lịch sử trước hết do ở cả việc tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá. Cách dạy hiện nay vẫn thiên về các sự kiện, số liệu...
Hiện nay, trong các kỳ thi, điểm thi môn Lịch sử thường thấp hơn điểm thi các môn học khác, không ít học sinh còn thờ ơ, thái độ học tập còn mang tính đối phó. Đây là một trong những nội dung mà đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội trường ngày 11/11. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân và có giải pháp gì để đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập môn Lịch sử.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn (ảnh chụp màn hình)
Trả lời chất vấn của đại biểu Đoàn Thị Hảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, vấn đề này đã được đề cập nhiều nhưng đến nay, thực tế điểm thi môn Lịch sử so với các môn thi khác khá thấp. Có tình trạng học sinh không yêu thích môn Lịch sử, học đối phó, điểm thi thấp, trong khi môn học này rất quan trọng cung cấp hiểu biết xã hội, kinh nghiệm sống, giúp tu dưỡng phát triển con người, hiểu biết đất nước, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc....
Theo Bộ trưởng, học sinh không hứng thú học trước hết do ở cả việc tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá. Cách dạy hiện nay vẫn thiên về các sự kiện, số liệu, chưa phát huy được nhiều sáng tạo, cá tính của học sinh trong việc học. Trong khi đó, việc kiểm tra, đánh giá cũng thiên về số liệu, ngày tháng, sự kiện, chưa chú ý đến tư duy, ý nghĩa của các sự kiện.
Bộ trưởng khẳng định, trong thời gian tới, Bộ sẽ triển khai đổi mới giảng dạy môn Lịch sử, sẽ tăng cường sáng tạo của học sinh, không áp đặt cách hiểu với lịch sử. Học sinh còn điểm khác trong cảm nhận, đánh giá thì sẽ trao đổi để thuyết phục, tranh luận. Quá trình thi, kiểm tra không đánh đố học sinh nhớ con số, ngày tháng, nhớ được địa điểm, địa danh./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận