Mở cửa trở lại, nhiều trường mầm non tư thục ở Hà Nội “vật vã” tìm giáo viên
Sau 1 năm phải đóng cửa do dịch Covid-19, nhiều giáo viên mầm non tư thục phải tìm công việc khác để kiếm thu nhập. Nay trường học được mở cửa trở lại, nhiều trường phải “đỏ mắt” tìm giáo viên.
UBND TP Hà Nội đã đồng ý đề xuất của Sở GD&ĐT về việc cho trẻ mầm non được trở lại trường học trực tiếp từ ngày hôm nay (13/4). Với quyết định này, các trường tư thục trên địa bàn Hà Nội chỉ có vài ngày để chuẩn bị về nhân lực cũng như cơ cở vật chất để đón trẻ trở lại trường.
Tại Trường mẫu giáo tư thục Vầng trăng Tuổi thơ (Quan Nhân, Hà Nội), 4 ngày nay, ngay từ sáng sớm, các cô giáo trong trường đã cần mẫn bắt tay vào việc dọn dẹp, sẵn sàng đón học sinh trong ngày đầu trở lại trường lớp.
Do thời gian nghỉ quá lâu, mặc dù đã được bảo quản cẩn thận nhưng vẫn có nhiều đồ chơi, đồ dùng học tập bị hư hỏng nặng.
Bà Chu Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội giáo viên Mầm non Tư thục Thành phố Hà Nội kiêm Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Vầng Trăng Tuổi thơ cho hay, thời gian nghỉ dịch quá dài, cơ sở vật chất của trường bị hỏng hóc nhiều do lâu không sử dụng, đặc biệt là các thiết bị điện tử như tivi, máy chiếu, tủ sấy bát, tủ lạnh… Bên cạnh đó, một số đồ dùng bằng gỗ ép cũng bị hư hỏng do trời nồm ẩm. Nhà trường phải rà soát từng chi tiết nhỏ, tự sửa chữa, một số đồ dùng phải mua bổ sung, kinh phí sẽ tạm thời lấy từ gia đình hoặc vay mượn bạn bè, anh, chị em.
Có trường chỉ còn 50% giáo viên bám trụ
Theo bà Nga, một trong những khó khăn nhất của nhà trường khi hoạt động trở lại là nhân sự giáo viên và nhân viên phục vụ. Thời gian đầu, dịch bệnh chưa ổn định, ít trẻ đi học nhưng trường vẫn phải tăng lương cho 100% giáo viên, nhân viên (tăng ít nhất 10% so với mức lương cũ ngay từ ngày đầu tiên trở lại làm việc). Do phải tăng lương cộng với kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất nên khó khăn chồng chất khó khăn.
Trước đó, trong thời gian nghỉ để phòng, chống dịch, nhiều giáo viên mầm non tư thục trên địa bàn quận Thanh Xuân đã phải mở các nhóm trông giữ trẻ tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Nhưng chỉ một thời gian sau đó, hoạt động này đã bị Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân “tuýt còi”, cấm, không cho phép hoạt động để đảm bảo phòng, chống dịch. Để được tiếp tục làm việc kiếm sống, nhiều giáo viên đã phải tình nguyện viết đơn xin nghỉ việc ở trường để không ảnh hưởng đến các chủ trường. Một số giáo viên thì phải tìm các công việc khác để mưu sinh.
Chính vì vậy, theo bà Nga, tình trạng thiếu giáo viên tại trường hiện là vấn đề “nóng” nhất hiện nay. Đến thời điểm này, giáo viên và nhân viên của trường chỉ còn 50% đang tiếp tục bám trụ. Nguyên nhân do nhiều giáo viên đã chuyển nghề, có những giáo viên vẫn yêu nghề, đau đáu với nghề thì đang đi làm ở các công ty, nếu có nghỉ phải xin phép đủ 30 ngày, nên khi có thông báo gấp, nhiều người không kịp xoay sở.
“Tới đây, chúng tôi sẽ tuyển thêm giáo viên bằng cách, nhờ các giáo viên, nhân viên đang làm giới thiệu thêm đồng nghiệp có nhu cầu tìm việc làm. Hiện tại, do chưa đủ giáo viên nên nên sẽ hạn chế nhận thêm học sinh để đảm bảo chất lượng dạy và học. Việc tiếp nhận học sinh sẽ phân bổ theo tuần để không tạo áp lực cho giáo viên trong những ngày đầu đi làm trở lại. Khi có đủ giáo viên sẽ tiếp tục nhận thêm học sinh vào lớp”, bà Chu Quỳnh Nga cho hay.
Cũng gặp phải những khó khăn tương tự, cô Nguyễn Lan Hương, Hiệu trưởng trường mầm non Thăng Long Academy Kindergaten cho biết, sau 1 năm đóng cửa hoàn toàn do ảnh hưởng của dịch bệnh, các trường ngoài công lập gặp không ít khó khăn do phải chi trả một khoản tiền lớn để giữ mặt bằng trường lớp, trả lương, đóng bảo hiểm cho giáo viên trong thời gian nghỉ dịch.
Hiện nay, khi mở cửa trở lại, vấn đề thiếu giáo viên, thiếu nguồn tài chính để tiếp tục duy trì, trả lương giáo viên, tu sửa trường lớp cũng là một thách thức lớn với các trường. Theo cô Hương, đến thời điểm này, trường có khoảng 75-80% giáo viên đã quay trở lại làm việc, trường cũng có nhu cầu tuyển thêm từ 7-8 giáo viên và hiện đã tuyển được 5 cô, thời gian tới sẽ tiếp tục tuyển dụng để đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo yêu cầu.
Thiếu giáo viên, các trường vẫn sẵn sàng đón trẻ an toàn
Hôm nay (13/4), hàng nghìn trẻ mầm non của Hà Nội sẽ trở lại trường học trực tiếp sau một thời gian dài tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19. Đây là cấp học cuối cùng trong hệ thống giáo dục của Hà Nội trở lại trường trong điều kiện bình thường mới. Hiện, toàn ngành giáo dục Thủ đô đã rà soát, chuẩn bị kỹ các điều kiện để đón trẻ tới trường với mục tiêu bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, hạn chế tối đa tai nạn thương tích.
Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai Trương Thu Hà cho biết, quận Hoàng Mai là địa bàn có số lượng lớn cơ sở mầm non tư thục với 352 nhóm lớp. Hiện, tỷ lệ trẻ đăng ký trở lại trường đạt 62%, tương đương với khoảng 8.700 trẻ. Qua khảo sát, số giáo viên của các nhóm lớp đăng ký đi làm từ ngày 13/4 đạt 63,2%. Như vậy, so với tỷ lệ trẻ đăng ký trở lại trường thì trước mắt có thể đáp ứng được yêu cầu.
Theo đại diện Phòng GD&ĐT quận Ba Đình, hiện có 5 trường ngoài công lập và 4 nhóm lớp đã giải thể, tỷ lệ trẻ đăng ký đi học đạt khoảng 80%. Tuy nhiên, nếu những ngày tiếp theo, tỷ lệ trẻ đi học tăng lên thì số giáo viên sẽ bị thiếu khá nhiều.
Còn tại quận Hoàn Kiếm, có khoảng 30 - 40% số giáo viên của các nhóm lớp mầm non đang có nhu cầu xin thôi việc. Trong vài ngày đầu trở lại trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận này sẽ tiếp tục theo dõi tình hình của các nhà trường, đồng thời, phối hợp với UBND các phường rà soát các điều kiện đón trẻ, nhất là về việc thiếu giáo viên để kịp thời có biện pháp khắc phục.
Cũng trong tình trạng thiếu giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với một số đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức phiên giao dịch việc làm dành riêng cho giáo viên mầm non nhằm bổ sung nhân lực cho ngành học này.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, toàn thành phố có gần 540.000 trẻ mầm non, tỷ lệ đăng ký trở lại trường từ ngày 13/4 đạt 80%. Nhiều nhà trường, nhóm lớp đã rà soát, hoàn thiện các điều kiện để sẵn sàng đón trẻ trở lại trường và tổ chức bán trú ngay từ ngày đầu tiên.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các đơn vị tiếp tục tuyên truyền để tiếp tục nâng tỷ lệ trẻ đến trường, cao hơn mức trên 80% so với tỷ lệ khảo sát; tuyệt đối không chủ quan, lơ là dù tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Các nhà trường sẵn sàng phương án đón trẻ bảo đảm an toàn về mọi mặt, trong đó có an toàn phòng, chống dịch và phòng, chống tai nạn thương tích, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm khi tổ chức hoạt động bán trú./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận