Dạy học trong bối cảnh “bình thường mới”: Cần xây dựng nền tảng học trực tuyến
Các chuyên gia cho rằng, cùng với xây dựng nền tảng chung cho dạy học trực tuyến, cơ sở giáo dục cũng cần đầu tư số hóa nguồn học liệu, xây dựng những phòng học thông minh, để vừa dạy học trực tiếp và trực tuyến trong cùng một thời điểm, cho các nhóm học sinh khác nhau.
Trải qua 2 năm dạy và học trong dịch COVID-19, hệ thống giáo dục của Việt Nam đã bước đầu đáp ứng và chuyển mình khá tốt để quá trình giảng dạy, học tập không bị gián đoạn. Tuy vậy, việc các cơ sở giáo dục dạy và học trực tuyến, kiểm tra, đánh giá bằng nhiều ứng dụng khác nhau trên mạng internet đã bộc lộ một số hạn chế trong tổ chức và quản lý đào tạo, khiến xã hội chưa thật sự tin tưởng vào chất lượng của hình thức đào tạo này. Vậy phải chăng, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cần xây dựng nền tảng chung cho dạy và học trực tuyến, để đáp ứng các yêu cầu học tập phù hợp của các địa phương?
(Ảnh minh họa)
Đã 2 năm dạy và học trực tuyến, giáo viên của Trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội đã quá quen thuộc với việc tổ chức, điều hành lớp học qua các ứng dụng trên mạng internet như: zoom, google meet, Google Classroom, Microsoft Teams… Thế nhưng, việc quản lý người học, rồi tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến như thế nào để đảm bảo chất lượng, hiệu quả vẫn luôn là điều khiến giáo viên và Ban Giám hiệu nhà trường trăn trở.
Bà Đinh Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa cho biết: “Hiện nay, nhà trường đang tiến hành cho học sinh kiểm tra học kỳ 1 trực tuyến. Mỗi một môn các thầy các cô ở các lớp khác nhau thì lại sử dụng những nền tảng trực tuyến khác nhau, cho nên kiểm tra của học sinh cũng trên nền tảng khác nhau, ví dụ có bộ môn dùng nền tảng LMS, có bộ môn thì dùng nền tảng Azota… dẫn đến khó khăn là không có sự đồng bộ thống nhất, một hệ thống mang tính xuyên suốt cho nên chúng tôi gặp khó khăn trong công tác quản lý”.
“Mạnh ai nấy dùng” là thực trạng chung hiện nay tại các cơ sở giáo dục trong cả nước khi triển khai dạy và học trực tuyến để phòng, chống dịch COVID-19. Dạy học trên ứng dụng zoom, kiểm tra lại sử dụng ứng dụng google forms, trên hệ thống học và thi trực tuyến, gửi bài thi qua ứng dụng Azota, hay Zalo… là quy trình học, kiểm tra trực tuyến quen thuộc mà cả giáo viên và học sinh buộc phải thực hiện khi học online thời gian qua. Giáo viên chủ nhiệm rất vất vả để quản lý, theo dõi sỹ số học sinh trong mỗi tiết học, buổi học trực tuyến… Vì thế, một hệ thống phần mềm đào tạo trực tuyến đủ mạnh, phù hợp với dạy và học trực tuyến của Việt Nam để dùng chung cho các cơ sở giáo dục đang là niềm mong mỏi của các nhà trường.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nêu ý kiến: “Trong thời gian vừa rồi, chủ yếu là các cơ sở giáo dục tự mày mò, tìm tòi các nền tảng dạy học trực tuyến và lựa chọn một nền tảng nào phù hợp nhất. Tuy nhiên, các nền tảng dạy trực tuyến hiện nay có ưu điểm, nhưng cũng có những hạn chế, chưa đáp ứng được việc dạy và học, còn kiểm tra, đánh giá nữa. Giá như chúng ta có được hệ thống dạy và học trực tuyến tôi nghĩ là chất lượng dạy và học sẽ đảm bảo hơn”.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, để khắc phục những hạn chế và nâng cao chất lượng đào tạo khi phải giảng dạy trực tuyến kéo dài trong bối cảnh “thích ứng linh hoạt an toàn với dịch bệnh” rất cần sự đồng bộ, thống nhất về nền tảng công nghệ học trực tuyến, tránh tình trạng nỗi nơi một phách như hiện nay.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trước hết, Việt Nam cần xây dựng một nền tảng (platform) phần mềm giảng dạy trực tuyến chung cho các cơ sở giáo dục, đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất, đường truyền, để việc dạy học dù theo hình thức nào cũng đảm bảo chất lượng. Giáo sư Nguyễn Đình Đức lý giải: “Bởi vì phần mềm trực tuyến này rất quan trọng ở chỗ là có một platform chung để xây dựng những cấu trúc bài giảng trên một phần mềm đó. Trên cơ sở phần mềm đó, chúng ta có thể chia sẻ tài nguyên và chúng ta có thể kiểm soát được quá trình học tập một cách thống nhất, đồng thời nhà quản lý như phòng đào tạo, các cấp lãnh đạo có thể kiểm tra và thậm chí kể cả phụ huynh có thể vào kiểm tra, giám sát”.
Với kinh nghiệm tổ chức và quản lý chương trình đào tạo từ xa nhiều năm nay, TS. Trương Tiến Tùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội cho rằng, lý tưởng nhất là xây dựng một phần mềm dành riêng cho đào tạo trực tuyến để các cơ sở giáo dục trên cả nước có thể cùng sử dụng khi không thể tổ chức dạy học trực tiếp do dịch bệnh.
Tuy nhiên, đây là chiến lược mang tính lâu dài và ở tầm quốc gia, nên trước mắt, ngành (GD-ĐT) nên tận dụng các nền tảng giáo dục trực tuyến có mã nguồn mở để thiết kế thêm các tính năng phù hợp với đặc thù của giáo dục Việt Nam.
“Trong điều kiện bây giờ, chúng ta cần phải đứng trên vai người khổng lồ. Để thích ứng được thì mỗi một trường nên tận dụng những gì đang có. Phải dạy cho giáo viên quản lý được lớp học của mình. Chúng ta cần có một bộ công cụ. Bộ công cụ này thì có sử dụng ngay trên mã nguồn mở, nhưng chúng ta phải xếp đặt lại phù hợp với năng lực quản lý, với quy mô dạy và học phù hợp hơn với cơ sở giáo dục của chính mình thì nó sẽ hiệu quả”, TS. Trương Tiến Tùng nói.
Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo trực tiếp và trực tuyến được xem như một phương pháp giảng dạy mới trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cùng với xây dựng nền tảng chung cho dạy học trực tuyến, cơ sở giáo dục cũng cần đầu tư số hóa nguồn học liệu, xây dựng những phòng học thông minh, để vừa dạy học trực tiếp và trực tuyến trong cùng một thời điểm, cho các nhóm học sinh khác nhau thì mới có thể khai thác hiệu quả nhất các nền tảng này./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận