Chọn SGK mới: Có nơi còn máy móc, giáo viên chọn sách này, cấp trên quyết sách khác
Các chuyên gia cho rằng, cần ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh khi lựa chọn SGK mới. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng cần có chỉ đạo sâu sắc hơn nữa để địa phương sớm triển khai tổ chức lựa chọn những điểm hay, mạnh của các bộ SGK.
Bộ GD-ĐT vừa phê duyệt các bộ SGK mới lớp 3, 7, 10 theo Chương trình GDPT 2018, chính thức áp dụng với các khối lớp trên từ năm học 2022-2023. Như vậy đây là năm thứ 3 thực hiện Chương trình GDPT mới, xã hội hóa, SGK 1 chương trình nhiều bộ sách. Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực năm 2020 quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn. Việc lựa chọn SGK sao cho phù hợp với học sinh từng trường, từng vùng miền là điều được nhiều giáo viên, phụ huynh và cả xã hội quan tâm.
Ảnh minh họa.
Tôn trọng ý kiến của giáo viên trong lựa chọn SGK mới là vô cùng quan trọng
PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên Chương trình GDPT môn Khoa học tự nhiên 2018 cho rằng, trong thực tế chọn SGK vẫn có hiện tượng nhà trường, giáo viên muốn chọn sách này, nhưng cấp trên lại ra quyết định chọn sách khác.
Là người trực tiếp giảng dạy, cô Phan Hồng Hạnh, giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, việc tôn trọng ý kiến của giáo viên trong lựa chọn SGK mới là vô cùng quan trọng. Trên thực tế, đặc điểm của học sinh các vùng miền cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, kinh tế của các địa phương cũng không giống nhau. Giáo viên là người nắm rõ nhất tâm lý của học sinh, đặc điểm năng lực của từng học sinh và cũng là người tiếp cận trực tiếp với các bộ SGK, giáo viên sẽ chủ động chọn lọc nội dung kiến thức phù hợp của các bộ sách để đưa vào giảng dạy. Do đó, giáo viên chính là kênh tham mưu rất tốt cho UBND các tỉnh, Sở, ban ngành để đưa ra quyết định chọn sách.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng hoàn toàn ủng hộ quan điểm tiếng nói của những người trực tiếp đứng lớp cần được lắng nghe và tôn trọng. Giáo viên là những người sử dụng hàng ngày, truyền tải kiến thức từ sách để đáp ứng nhu cầu của chương trình. Tuy nhiên, khi Quốc hội quyết định điều chỉnh việc lựa chọn SGK từ các cơ sở giáo dục sang UBND các tỉnh đã có những tính toán. Bởi quy trình từ tôn trọng lựa chọn từ các giáo viên sau đó tổng hợp đưa về sở giáo dục. Tiếp đó có một hội đồng lựa chọn SGK rồi nghiên cứu và tham vấn để có ý kiến tốt nhất. Từ cơ sở đó thì Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định lựa chọn SGK.
Giáo viên tiếp cận với SGK mới lớp 10.
“Qua theo dõi, chúng tôi thấy nhiều tỉnh đã lựa chọn sách trên từng môn học. Đây chính là cơ hội cho các thầy cô, các Hội đồng giáo dục ở các trường chọn qua cuốn sách phù hợp nhất.
Tuy nhiên cũng có số khác hơi máy móc. Theo nhiều ý kiến thì chúng tôi cho rằng Bộ GD-ĐT nên rà soát và hướng dẫn cụ thể hơn để các địa phương trong quá trình chọn SGK lớp 3,7,10 tới đây cần hiểu một cách linh hoạt hướng dẫn của Bộ và trên nền tôn trọng ý kiến cơ sở”. Trong thời gian tới, chúng ta cũng cần không nên quá máy móc về lựa chọn bộ nào mà có thể tham khảo nhiều tư liệu ở nhiều bộ khác nhau. Tôi ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT là cần chống tư tưởng dạy văn mẫu. Muốn như vậy thì quyền lựa chọn tư liệu dạy của giáo viên là điều cần khuyến khích”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ lựa chọn SGK, đảm bảo đủ các bước nhưng tiến độ phải nhanh. Đây là căn cứ để các NXB căn cứ phát hành, kịp thời đưa sách tới các thầy các cô trong quá trình tập huấn.
Ngoài ra, lường trước được tình hình dịch, việc tập huấn trực tiếp sẽ gặp nhiều khó khăn. Phương án tập huấn trực tiếp và trực tuyến đan xen sẽ vẫn là phương án cho mùa hè tới. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa hy vọng hoạt động này sẽ đạt được hiệu quả cao nhất, đặc biệt tại vùng sâu vùng xa, vùng "lõm sóng", làm sao trước thềm năm học mới, các thầy cô được tập huấn tốt, nhất là lớp đầu cấp như lớp 10.
Về phương tiện, đồ dùng học tập, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cũng lưu ý các địa phương cần tiến hành mua sớm, tránh tình trạng khai giảng năm học nhưng vẫn thiếu sách, thiếu đồ dùng. Về phía Bộ GD-ĐT cũng cần có văn bản đánh giá về việc triển khai trong những năm vừa qua để rút ra bài học kinh nghiệm cho năm học mới. Những cách làm hay, đúng ở các địa phương cần được chia sẻ. Từ đó, lựa chọn và quyết định chọn SGK ở các địa phương có sự đồng bộ, khuyến khích xã hội hoá SGK và có được kết quả triển khai SGK mới đúng như mục tiêu đề ra.
Cần ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh
Còn theo TS Đỗ Thị Thanh Hà, Viện trưởng Viện Dư luận xã hội, SGK được coi là loại hàng hóa đặc biệt, là tài liệu giáo dục quan trọng nên việc xã hội hóa cần hết sức thận trọng và minh bạch để SGK khi đến tay học sinh phải là sản phẩm thật sự chất lượng.
“Theo tôi, bảo đảm tính công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch trên các phương tiện truyền thông đại chúng là điều rất quan trọng. Chúng ta cần ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhóm tác giả cũng như NXB. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện đổi mới chương trình đổi mới SGK, đồng thời có chỉ đạo sâu sắc hơn nữa để địa phương sớm triển khai tổ chức lựa chọn những điểm hay, mạnh của các bộ SGK vì mục tiêu học sinh được học bộ sách chất lượng nhất. Theo tôi để thực hiện thành công kế hoạch xã hội hóa việc biên soạn SGK, chúng ta còn có rất nhiều những khó khăn trước mắt. Nhưng thiết nghĩ đây là chủ chương tiến bộ. Các cấp, ngành, nhất là ngành giáo dục cần kiên trì và quyết tâm thực hiện, từ đó góp phần nâng cao chất lượng của nền giáo dục Việt Nam”, TS Đỗ Thị Thanh Hà nhấn mạnh./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận