Phát triển công nghiệp văn hóa để bảo tồn di sản Thăng Long
Hà Nội đang hoàn thiện Nghị quyết chuyên đề phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, tiến tới mục tiêu góp phần bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long và phát triển con người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện do Thành ủy Hà Nội tổ chức nhằm huy động những đóng góp trí tuệ, tâm huyết cho mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai cho biết, tại nhiệm kỳ này, Đảng bộ TP. Hà Nội quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa ở trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, bắt kịp xu thế thời đại...
Tại tọa đàm, các quận, huyện, sở, ngành... đều khẳng định, Hà Nội có nhiều lợi thế về văn hóa mà không địa phương nào trên cả nước có được, song chưa khai thác hết được các tiềm năng. Nguyên nhân là bởi chưa có một môi trường văn hóa chất lượng, ngược lại bị bó hẹp, đóng khuôn; người làm văn hóa nhiều sức sáng tạo nhưng yếu về kinh doanh, trong khi, nhà đầu tư và người tâm huyết trong lĩnh vực này chưa "gặp nhau"...
Các đại biểu cũng cho rằng, văn hoá không chỉ đóng góp 5%-7% vào GDP mà hiện diện trong nhiều mặt khác nhau. Giai đoạn 4.0, văn hoá phải trở thành công nghiệp mũi nhọn. Vì vậy, phải có cơ chế, chính sách để người làm văn hóa và người kinh doanh văn hóa gặp nhau.
Xây dựng môi trường văn hoá mới cho Thủ đô
Tại toạ đàm, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, Hà Nội xác định xây dựng và phát triển văn hoá, con người là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng và khẳng định tiềm năng, lợi thế trong việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa, hướng tới xây dựng diện mạo, môi trường văn hóa mới cho Thủ đô.
Liên tiếp trong nhiều nhiệm kỳ gần đây, Thành phố đã có hẳn một Chương trình công tác dành riêng cho việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển văn hoá của Hà Nội. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong đợi.
Vấn đề đặt ra cho Hà Nội là phải tìm ra được giải pháp thích hợp. Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với lĩnh vực Thiết kế sáng tạo bởi thành phố luôn quan tâm phát triển văn hoá và luôn quan tâm tới việc khai thác, phát huy những giá trị truyền thống.
Nhưng hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá, với sự canh tranh rất lớn giữa các quốc gia thì sự sáng tạo là yếu tố quyết định trong mối cạnh tranh đó. Lĩnh vực thiết kế sáng tạo là nội dung rất quan trọng, chi phối, tác động đến rất nhiều ngành và lĩnh vực, trong đó đặc biệt là các ngành liên quan đến công nghiệp văn hoá. Nếu tập trung vào đó, sẽ vừa phát huy lại vừa khai thác được truyền thống, đồng thời tận dụng và tiếp cận được vấn đề của thế giới.
Đối với Dự thảo Nghị quyết, ông Nguyễn Văn Phong nêu rõ, cần điều chỉnh lại kết cấu, tiếp thu, bổ sung một số giải pháp về quy hoạch, nguồn lực, giải pháp phối hợp để khai thác có hiệu quả các nguồn lực văn hoá của Trung ương nằm trên địa bàn thành phố. Các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm từ chính những đơn vị là đối tượng thực hiện và hưởng lợi từ các đề án, nghị quyết này chính là động lực để quyết tâm hoàn thành nhanh chóng, hiệu quả các nội dung.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Hà Nội rất quan tâm tới vấn đề văn hóa tổng thể, phát triển kinh tế đi liền với bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống. Hà Nội đã xin ý kiến của 4 nhóm đối tượng trong lĩnh vực này, qua đó làm rõ cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế, tiềm năng, lợi thế của Hà Nội hiện nay.
Hiện, Thành phố đang hoàn thiện, bổ sung cụ thể nhiệm vụ thực hiện gắn với lộ trình nhất định, có điểm nhấn và tính khả thi, tiến tới mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa là góp phần bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long và phát triển con người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận