Nguồn nước cấp lại nhưng người dân chưa nên dùng để ăn uống
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, dự kiến đến cuối tuần, tình hình chất lượng nguồn nước mới có thể được ổn định trở lại.
- Hai chủ sở hữu “khủng” của Nước sạch Sông Đà bị ảnh hưởng, cổ phiếu tụt giảm
- Nước sạch bốc mùi: Lượng Clo tồn dư nguy hiểm cho sức khỏe ra sao?
Đến thời điểm này, các hộ dân Hà Nội đã được cấp nước trở lại sau sự cố cắt nước vì nguồn nước từ nhà máy sông Đà bị ô nhiễm. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn lo lắng về chất lượng nước.
Ngày 17/10, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, đến chiều 16/10, kết quả mẫu nước lấy tại bể của nhà máy nước sông Đà kiểm nghiệm là có 107/107 chỉ tiêu trong ngưỡng cho phép. Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội đề nghị nhà máy sông Đà cấp nước trở lại để phục vụ sinh hoạt cho người dân, thau rửa bể ngầm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng được giao liên tục kiểm tra, giám sát, phân tích mẫu nước đến khi nào nguồn nước đảm bảo.
Tuy nhiên, ông Cảm cũng cho biết, với nguồn nước cấp lại, người dân chỉ nên dùng để sinh hoạt, chưa nên sử dụng để ăn uống cho tới khi có kết quả xét nghiệm khẳng định đảm bảo. Nước để ăn uống phải sử dụng nguồn nước khác đảm bảo được cung cấp bằng xe téc. “Dự kiến, trong 1- 2 ngày tới, chất lượng nguồn nước có thể ổn định trở lại, điều này phụ thuộc vào nỗ lực khắc phục của nhà máy nước sông Đà và quá trình thau rửa bể nước ngầm của người dân”, ông Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo.
Hiện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội liên tục lấy mẫu nước từng ngày để kiểm nghiệm, phân tích. Việc lấy mẫu nước được thực hiện ở nhiều vị trí của nhà máy nước sông Đà như: Bể thành phẩm, bể trung gian (ở huyện Thạch Thất, Hà Nội), bể điều tiết (ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm), tại họng nước kiểm soát đấu nối với hệ thống nước của công ty Viwaco… và liên tục lấy mẫu nước tại các hộ dân trong những khu vực sử dụng nguồn nước sông Đà để kiểm nghiệm, phân tích.
Lo sợ nguồn nước sạch sông Đà bị nhiễm bẩn, người dân tại một số quận, huyện như Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Quốc Oai, Thạch Thất (Hà Nội) đã chấp nhận mua nước khoáng, nước đóng chai trong siêu thị, các cửa hàng tạp hóa để nấu ăn. Tuy nhiên, GS.TSKH Trần Văn Sung – Nguyên Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho rằng, việc làm này vô tình gây hại cho sức khỏe chính mình và người thân.
GS Sung nêu rõ, các loại nước khoáng, nước đóng chai, bình đã qua xử lý hiện nay thường được bổ sung một số chất có lợi như: natri, kali, canxi hay magie… Nếu dùng để uống ngay thì rất tốt, nhưng để nấu ăn thì lại gây hại.
“Khi nấu ăn ở nhiệt độ cao, các chất trên phản ứng với thực phẩm, gây hiện tượng hóa học khó lường, thậm chí sinh cặn bã của chính những chất có lợi trên. Vì vậy, nếu chúng ta ăn phải các chất cặn bã này sẽ ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là những người mắc các bệnh về thận hay sỏi thận”- GS Sung giải thích.
Cũng theo GS Sung, khi đun sôi ở nhiệt độ cao lên tới 100 hay vài trăm độ C, các chất có trong nước khoáng sẽ có phản ứng hóa học với thực phẩm. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, GS Sung khuyến cáo, người dân chỉ cần dùng nước tinh khiết, nước từ các nhà máy, giếng khoan không bị ô nhiễm để nấu ăn, tuyệt đối không nên dùng nước khoáng, nước đóng trong chai, bình đã qua xử lý để nấu ăn./.
Minh Khánh/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận