Nước sạch bốc mùi: Lượng Clo tồn dư nguy hiểm cho sức khỏe ra sao?
Một số người dân đang sống tại chung ở Hà Nội hiện đang vô cùng lo lắng cho sức khỏe khi nước máy nhà họ bốc mùi clo nồng nặc, khó chịu.
Nước sạch sông Đà có mùi do hàm lượng Clo cao
Sau gần 1 tuần “im tiếng”, ngày 14/10, Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) mới thừa nhận nước có váng dầu và châm tăng hóa chất (Clo) trong nước sản xuất. Lãnh đạo Công ty nước sông Đà thừa nhận có váng dầu thải ở nguồn nước nhưng chất lượng nước của nhà máy vẫn "đảm bảo tiêu chuẩn" và "không có độc tố".?
Hàng chục nghìn hộ dân tại địa bàn các quận, huyện như: Hoài Đức, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm…phải sử dụng nước sinh hoạt có mùi lạ vô cùng lo lắng, bất an khi nước sinh hoạt bốc mùi clo nồng nặc, khó chịu, trong khi chưa có lý giải từ cơ quan chức năng là nước ấy có độc hay không độc, có sử dụng được hay không?
Theo chuyên gia ngành nước khuyến cáo, việc sử dụng Clo trong công nghệ xử lý của các nhà máy nước nhằm mục đích tiêu diệt vi khuẩn, vi trùng trong nước. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý nước hàm lượng Clo này tồn dư một lượng quá lớn và không được xử lý hết, gây ra những ảnh hưởng nhất định cho người sử dụng.
Theo các nghiên cứu khoa học, dư lượng clo trong nước là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số bệnh như hen suyễn, rối loạn chức năng gan, nguy hiểm hơn là làm suy yếu khả năng miễn dịch.
Dư lượng Clo trong nước nguy hiểm ra sao?
Clo vốn là một loại hóa chất khử trùng sử dụng trong hệ thống cấp nước ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Không thể phủ nhận những lợi ích mà clo này mang lại. Sử dụng Clo khử trùng vừa tiết kiệm chi phí, vừa hiệu quả. Khi để lại một lượng Clo dư sau khi khử trùng sẽ giúp ngăn ngừa sự tái nhiễm của vi khuẩn trong quá trình phân phối, vận chuyển và trữ nước tại nhà.
Các nhà cung cấp nước công cộng thường khử trùng nước bằng Clo để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Mức clo tự do thường có trong nước uống từ hệ thống nước công cộng là 0,2 - 2,0 phần triệu (ppm, part per million), mặc dù ở một số nơi có thể lên tới 5,0 ppm. Mùi do bổ sung clo thường biến mất nếu nước tiếp xúc với không khí trong vài phút.
“Nếu bạn ngửi sẽ thấy nước có mùi Clo là do nồng độ Clo trong nước cao hơn nhiều so mới mức cho phép”.
Khi sử dụng để xử lý nước, dưới môi trường áp suất cao và làm lạnh, Clo sẽ được chuyển hóa ở dạng lỏng mới đưa vào nước làm chất diệt khuẩn. Clo dạng lỏng có thể kết hợp với các hợp chất hữu cơ, các phụ phẩm diệt khuẩn mà những phụ phẩm này lại độc hại gấp nghìn lần so với Clo.
Tuy nhiên, nếu dư lượng Clo trong nước cao, vượt quá 0,5mg/l sẽ gây ra tác hại cho sức khỏe con người. Chloroform và Trihalomethanes là hai phụ phẩm chính được sinh ra do tương tác giữa clo với các hơp chất hữu cơ khác trong nước. Tạp chí Occupational and Environmental Medicine (Hoa Kỳ) cho biết đây là những hợp chất thuộc nhóm các chất gây ung thư nhóm B và có khả năng gây dị tật với trẻ sơ sinh, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, hô hấp…
Khi người dân ngửi mùi Clo trong phòng kín quá lâu sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Dấu hiệu là ho, khó thở, ngoài ra vì clo có tính oxy hóa mạnh nên có khả năng gây tràn dịch màng phổi, sưng tấy các tế bào hồng cầu, thậm chí có thể gián tiếp tạo ra bệnh ung thư.
Người dân có thể tự xử lý Clo dư trong nước hay không?
Chuyên gia khẳng định người dân có thể sử dụng cột than hoạt tính để khử Clo trước khi dùng tuy nhiên đây là biện pháp rất đắt đỏ, rất ít người ứng dụng được.
Cách đơn giản để xử lý nguồn nước nhiễm Clo là sử dụng các sản phẩm máy lọc nước. Trong quy mô gia đình, máy lọc nước được sử dụng vô cùng phổ biến.
Với chi phí phù hợp, chỉ khoảng trên dưới 3 triệu đồng là người sử dụng hoàn toàn yên tâm lựa chọn cho mình sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt hàng ngày.
Người dân có thể kiện Công ty nước sạch sông Đà?
Sau sự việc nước có “mùi lạ” và Công ty nước sạch Sông Đà đã lên tiếng thừa nhận, nhiều người và giới luật sư cho rằng, người dân bị ảnh hưởng hoàn toàn có thể khởi kiện đơn vị cung cấp nước ra tòa vì tội “Lừa dối khách hàng”.
“Đáng lẽ thì khi phát hiện nước đầu nguồn bị nhiễm dầu thải Công ty nước sạch Sông Đà phải cắt nước ngay, thông báo với cơ quan chức năng và người dân để họ nắm được thông tin. Nhưng đằng này họ lại xử lý bằng cách tự tăng thêm lượng Clo vào nước rồi bán cho người dân. Làm ăn vô trách nhiệm”, một người dân nói.
Các chuyên gia môi trường cho biết, tồn dư clo trong nước là chất độc, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khoẻ của con người. Hàm lượng Clo cho vào nước được kiểm soát trong khoảng 03-0,5mg/lit.
“Cả một công ty nước lớn như vậy chả lẽ không biết điều này hay họ cố tình bưng bít thông tin. Một công ty làn ăn như thế thì có đáng bị khởi tố không?”, chị Huyền Anh, ở chung cư HH2A Linh Đàm bức xúc lên tiếng.
Cũng theo các chuyên gia, Công ty nước Sông Đà đã vi phạm luật môi trường. Và người dân hoàn toàn có thể khởi kiện đơn vị này. Bởi ngay trong hợp đồng mua bán nước sạch cũng đã nêu rõ: Nước cung cấp cho dân phải là nước không mùi, không vị. Nguồn nước được coi là an ninh quốc gia đặc biệt, tính mạng của bao con người, không thể có chuyện tắc trách như thế được./.
Phi Long/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận