Tại sao Oman được chọn là bên trung gian trong đàm phán Mỹ - Iran?
Sự tham gia của Oman với vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán hạt nhân gián tiếp gần đây giữa Mỹ và Iran một lần nữa khẳng định vị thế là một trong số ít bên trung lập và thế mạnh của nước này trong ngoại giao ở Trung Đông.
Tại vòng đàm phán hạt nhân thứ nhất ở thủ đô Muscat của Oman vào ngày 12-4 và vòng đàm phán thứ hai tại thủ đô Rome của Italy vào ngày 19-4 vừa qua, phái đoàn Mỹ và Iran đều ở hai phòng riêng biệt. Ngoại trưởng Oman Badr bin Hamad Al Busaidi là người trao đổi thông điệp qua lại giữa hai phái đoàn. Dưới sự trung gian của Oman, Mỹ và Iran đều đánh giá các cuộc đàm phán “có tính xây dựng”. Việc hai bên tiến hành đàm phán có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh toàn cầu, đặc biệt là liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.
Vậy tại sao Oman được chọn là bên trung gian để Mỹ và Iran giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại thay vì đối đầu? Theo RT, Oman đã nhiều lần chứng minh khả năng độc đáo của mình trong vai trò là bên trung gian đáng tin cậy và công bằng trong các cuộc xung đột quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ-Iran. Nhờ chính sách đối ngoại cân bằng, không can thiệp và khả năng duy trì lòng tin của các bên, Muscat đã trở thành kênh không thể thiếu cho hoạt động ngoại giao tại Trung Đông.

Vào năm 2013, Oman đã tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp bí mật giữa Mỹ và Iran. Quốc vương Oman thời điểm đó là ông Qaboos bin Said, người nổi tiếng với cam kết xây dựng hòa bình, đã tạo ra một địa điểm kín đáo để khởi xướng đối thoại giữa hai bên. Những cuộc đàm phán này được tiến hành trong điều kiện bảo mật nghiêm ngặt là một bước ngoặt và đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán đa phương tiếp theo, cuối cùng dẫn đến việc Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức) ký kết Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran, vào năm 2015.
Theo các nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Iran và các quan chức Mỹ, những năm gần đây, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, Oman một lần nữa lại đi đầu trong ngoại giao khu vực. Từ năm 2023 đến 2025, Muscat đã tổ chức một loạt cuộc họp kín, gián tiếp giữa các đại diện của Iran và Mỹ. Các cuộc họp này cho phép hai bên thảo luận về các cơ chế hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, dỡ bỏ lệnh trừng phạt theo từng giai đoạn và bảo đảm an ninh hàng hải ở eo biển Hormuz.
Các hãng tin Trung Đông như WANA News Agency và Middle East Eye cho biết, Oman đã tích cực thúc đẩy các đề xuất ngoại giao của riêng mình, bao gồm việc thành lập một nhóm liên lạc. Nước này cũng đưa ra ý tưởng tổ chức cuộc đối thoại khu vực về an ninh và ổn định năng lượng. Thông qua những nỗ lực này, Muscat định vị mình không chỉ là một bên trung gian mà còn là một “kiến trúc sư” chủ chốt trong việc định hình một khuôn khổ an ninh mới cho khu vực.
Không giống như hầu hết quốc gia trong khu vực, Oman duy trì quan hệ hợp tác với cả Mỹ và Iran, tránh các liên minh chính trị một chiều và tận dụng lập trường trung lập để thúc đẩy đối thoại. Điều này khiến Oman trở thành đối tác đặc biệt có giá trị đối với cộng đồng quốc tế vốn đang tìm cách ngăn chặn xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Iran. Vai trò của Muscat trong các cuộc đàm phán giữa Washington và Tehran không chỉ đơn thuần là trung gian về mặt kỹ thuật mà còn mang tính chiến lược. Các hoạt động ngoại giao của Oman còn hướng đến thiết lập một nền tảng bền vững cho thế cân bằng khu vực. Giữa bối cảnh tình hình địa chính trị đầy bất ổn, Oman đưa ra “sức mạnh thầm lặng” dựa trên đối thoại, sự linh hoạt về ngoại giao và kiên nhẫn chiến lược. Nỗ lực của Oman nhằm khôi phục đối thoại Mỹ-Iran đã tái khẳng định vai trò đặc biệt và không thể thay thế của nước này với tư cách là bên trung gian tại Trung Đông.
Oman đang chứng minh rằng ngay cả một nước tương đối nhỏ cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu, nếu có được niềm tin, uy tín cao và khả năng lắng nghe các bên trong một cuộc xung đột. Những hoạt động ngoại giao của Oman giúp củng cố vị thế của nước này là một bên điều phối ở khu vực và là đối tác quốc tế quan trọng có khả năng đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.
LÂM ANH
Theo https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/tai-sao-oman-duoc-chon-la-ben-trung...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận