Nỗ lực xử lý rác thải nhựa ở Ấn Độ
Channel News Asia dẫn một báo cáo của Đại học Leeds (Anh) thống kê Ấn Độ đứng đầu thế giới về ô nhiễm nhựa, với việc thải ra 9,3 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó các sản phẩm nhựa dùng một lần chiếm gần một nửa. Con số này gần bằng tổng khối lượng rác thải của Nigeria, Trung Quốc và Indonesia cộng lại.
Trong bối cảnh vấn nạn rác thải nhựa đang ngày càng trầm trọng của đất nước, một số công ty khởi nghiệp, trong đó có ReCircle có trụ sở tại thành phố Mumbai, bang Maharashtra, đang tự giải quyết vấn đề. Theo đó, doanh nghiệp này hợp tác với mạng lưới những người thu gom rác để tập kết rác thải nhựa, trước khi phân loại và xử lý chúng thành những viên nhỏ có thể tái chế thành các sản phẩm nhựa khác. “Tái chế là cách giải quyết hiệu quả vấn đề rác thải nhựa”, Channel News Asia dẫn lời nhà đồng sáng lập ReCircle Rahul Nainani nêu rõ.
Quan điểm và phương pháp thực hiện như của ReCircle nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học. Mặt khác, họ khuyến nghị cách duy nhất để tăng tỷ lệ tái chế là tích cực phân loại tại nguồn để vật liệu có thể được thu gom theo cách phân loại và có thể đến đúng cơ sở xử lý, thay vì thải ra bãi rác và đại dương. Channel News Asia cho hay, trong khi số liệu thống kê của chính quyền New Delhi cho thấy 2/3 rác thải nhựa trong nước được tái chế, thì báo cáo Lộ trình kinh tế tuần hoàn quốc gia nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại Ấn Độ-một nỗ lực phối hợp giữa các viện nghiên cứu của Ấn Độ và Australia-lại cho thấy tổng tỷ lệ tái chế của quốc gia Nam Á có thể chỉ đạt vỏn vẹn gần 8%.
Chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng lên kế hoạch loại bỏ đồ nhựa dùng một lần vào năm 2020, nhưng bị trì hoãn do đại dịch Covid-19 và tính chưa sẵn sàng của các công ty, doanh nghiệp sản xuất và tiêu dùng đồ nhựa. Tuy nhiên, đến năm 2022, New Delhi bắt đầu áp dụng lệnh cấm 19 mặt hàng nhựa dùng một lần. Nước này cũng thành lập các đội kiểm tra hai cấp gồm cấp quốc gia và liên bang để giám sát việc thực hiện nghiêm lệnh cấm. Tuy nhiên, một số người cho rằng lệnh cấm không được thực thi đầy đủ, còn các nhà sản xuất và nhà bán lẻ dễ dàng lách luật nên tình trạng ô nhiễm nhựa ở Ấn Độ vẫn còn rất nhức nhối.
THÁI HÀ
Theo https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/no-luc-xu-ly-rac-thai-nhua-o-an-do-...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận