Châu Âu gặp khó khi trở lại với năng lượng hạt nhân
Năng lượng hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực khử carbon và bảo đảm an ninh năng lượng của châu Âu khi nguồn dự trữ khí đốt cạn kiệt nhanh chóng. Tuy nhiên, các dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới ở khu vực này đang phải đối mặt với những thách thức về tài chính.
Euronews dẫn báo cáo của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings, việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới ở châu Âu đang gặp nhiều thách thức về mặt tài chính, mặc dù chúng đóng vai trò quan trọng trong quá trình khử carbon và bảo đảm an ninh năng lượng của khu vực.
Theo báo cáo, chi phí xây dựng cao, rủi ro tài chính và sự phụ thuộc vào hỗ trợ của chính phủ các nước châu Âu đang tạo rào cản cho việc triển khai các dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân. “Việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới ở châu Âu rất tốn kém và sẽ cần nguồn tài trợ đáng kể”, S&P Global Ratings nhấn mạnh trong báo cáo.
Để xây dựng hai lò phản ứng điều áp châu Âu (EPR) thế hệ mới cần khoản đầu tư lên tới 50 tỷ euro. Đây là số tiền vượt xa khả năng tài chính của hầu hết các công ty năng lượng châu Âu. S&P Global Ratings cảnh báo, đối với các công ty này, chi phí cao trong việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân “thường làm căng thẳng bảng cân đối kế toán”. Áp lực tài chính để triển khai các dự án điện hạt nhân được thể hiện rõ trong trường hợp của Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF), khi gã khổng lồ năng lượng này quản lý cả hai dự án quy mô lớn là dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Hinkley Point C ở Anh và lò phản ứng hạt nhân Flamanville ở Pháp. Chi phí vượt mức và sự chậm trễ trong các dự án này đã khiến xếp hạng tín dụng của EDF bị hạ bậc.
Sau sự cố hạt nhân tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản vào năm 2011 do thảm họa kép động đất-sóng thần, năng lượng hạt nhân không còn được ưa chuộng ở châu Âu vì những lo ngại về an toàn. Tuy nhiên, nhu cầu tìm giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát cùng với việc Liên minh châu Âu (EU) đưa ra mục tiêu giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990 đã khiến năng lượng hạt nhân được quan tâm trở lại.
Việc Ủy ban châu Âu (EC) công nhận năng lượng hạt nhân là năng lượng xanh càng thúc đẩy chính phủ các nước đầu tư vào nguồn năng lượng này. Tại Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng hạt nhân tại thủ đô Brussels của Bỉ hồi tháng 3 năm nay, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng, mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau trong EU về năng lượng hạt nhân nhưng bà tin rằng nguồn năng lượng này có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của châu Âu khi khu vực đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu.
Tại Slovakia, lò phản ứng hạt nhân mới Mochovce 3 đã bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2023. Tại Séc, chính phủ nước này đã hợp tác với Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP) để xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới với nguồn tài chính được tạo điều kiện thông qua cơ chế nhà nước. Tương tự, kế hoạch xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân của Ba Lan được hỗ trợ bởi các khoản vay theo chương trình của chính phủ và nguồn tài trợ liên chính phủ nhằm mục đích củng cố mục tiêu độc lập về năng lượng và giảm phát thải carbon của nước này.
Tại Pháp, EDF có kế hoạch đưa vào vận hành từ 6 đến 14 lò phản ứng hạt nhân mới với công suất 10-24 gigawatt vào cuối thập niên 2030. Tuy nhiên, S&P Global Ratings cho rằng việc chưa có kế hoạch tài chính rõ ràng có thể khiến các dự án gặp khó khăn.
Đối với châu Âu, việc triển khai các dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới đang trở nên cấp thiết khi cơ sở hạ tầng điện hạt nhân ở khu vực này đã già cỗi. Với tình trạng các lò phản ứng hạt nhân hiện đã 40 năm tuổi, nhiều nhà máy điện hạt nhân dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào năm 2040. Theo S&P Global Ratings, các lò phản ứng hạt nhân mới sẽ giúp duy trì tỷ lệ điện hạt nhân ở mức khoảng 20% trong cơ cấu nguồn điện của châu Âu.
Việc thay thế các lò phản ứng cũ một cách kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng đối với châu Âu để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung điện. Nhu cầu năng lượng ở khu vực này dự kiến sẽ tăng cao trong bối cảnh các ngành công nghiệp đẩy mạnh quá trình điện khí hóa và ngày càng nhiều trung tâm dữ liệu được mở ra.
LÂM ANH
Theo https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/chau-au-gap-kho-khi-tro-lai-voi-nan...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận