Nhiều nước lo ngại vấn đề bảo mật thông tin khi sử dụng sản phẩm của DeepSeek
Theo Reuters, Chính phủ Australia vừa ban hành lệnh cấm DeepSeek trên tất cả thiết bị thuộc hệ thống chính phủ do lo ngại rằng startup trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc này tiềm ẩn rủi ro về bảo mật.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Australia Tony Burke ngày 4-2 đã ban hành chỉ thị yêu cầu tất cả cơ quan chính phủ ngăn chặn việc sử dụng hoặc cài đặt các sản phẩm, ứng dụng, dịch vụ web của DeepSeek và khi phát hiện, phải gỡ bỏ toàn bộ các trường hợp đã cài đặt khỏi hệ thống và thiết bị của Chính phủ Australia.
![Nhiều nước lo ngại vấn đề bảo mật thông tin khi sử dụng sản phẩm của DeepSeek](https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2025/02/05/upload_2080/anhth20874950pm.png?dpi=150&quality=100&w=870)
Bộ trưởng Tony Burke cho biết, DeepSeek gây ra rủi ro đối với hệ thống công nghệ của chính phủ. Lệnh cấm ngay lập tức được áp dụng nhằm bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia của Australia. Tuy nhiên, lệnh cấm không áp dụng cho thiết bị cá nhân của người dân nước này.
Quyết định cấm DeepSeek của Chính phủ Australia diễn ra sau khi Italy và một số quốc gia khác có hành động tương tự. Italy cho biết nước này đã chặn chatbot tích hợp AI của DeepSeek với lý do lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu. Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Italy (Garante) ngày 30-1 cho biết họ đã ra lệnh đình chỉ ứng dụng AI của DeepSeek sau khi công ty Trung Quốc không trả lời được các câu hỏi chủ chốt về cách thức thu thập, lưu trữ cũng như xử lý các dữ liệu cá nhân. Garante cho rằng những phản hồi của DeepSeek "hoàn toàn không đầy đủ" nên cần có lệnh cấm ngay lập tức.
Theo CNBC, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), hải quân Mỹ, Hạ viện Mỹ và chính quyền bang Texas cũng đồng loạt cấm nhân viên sử dụng DeepSeek do lo ngại về an ninh quốc gia và quyền riêng tư. Trong thông báo ngày 1-2 gửi toàn bộ nhân viên, Giám đốc AI của NASA nhấn mạnh rằng máy chủ của DeepSeek "hoạt động bên ngoài nước Mỹ, làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia và quyền riêng tư". NASA cũng cấm sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của DeepSeek đối với dữ liệu, thiết bị và mạng lưới của cơ quan này.
Trong khi đó, theo AP, Thống đốc bang Texas Greg Abbott đã ban hành lệnh cấm DeepSeek trên các thiết bị do chính phủ cấp. Lệnh cấm cũng áp dụng đối với một số ứng dụng mạng xã hội có nguồn gốc Trung Quốc như Xiaohongshu (RedNote) và Lemon8.
Tại Nga, các chuyên gia của Nền tảng Sáng kiến Công nghệ Quốc gia (NTI) cũng vừa đưa ra quan điểm về việc sử dụng chatbot của DeepSeek. Họ cho rằng việc bảo đảm an toàn dữ liệu khi sử dụng AI của DeepSeek hoàn toàn phụ thuộc vào việc người dùng có chia sẻ thông tin mật hoặc thông tin liên quan đến công việc với chatbot hay không. Nếu các cuộc trò chuyện có liên quan đến dữ liệu cá nhân, dự án công việc hoặc các thông tin bí mật thì rủi ro sẽ thành nghiêm trọng.
Một số quốc gia như Hàn Quốc, Ireland, Pháp... cũng bày tỏ lo ngại về quy trình xử lý dữ liệu của DeepSeek. Dù đối mặt với lệnh cấm và hạn chế tại nhiều quốc gia, nhưng độ nổi tiếng của DeepSeek không hề giảm. CNBC đưa tin, nhiều người Mỹ đang tranh thủ tải DeepSeek để trải nghiệm sức mạnh thực sự của ứng dụng AI này trước khi bị cấm. Lượng người tải tăng vọt khiến DeepSeek giữ vững ngôi số 1 trên App Store tuần trước.
DeepSeek là một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Hàng Châu (Trung Quốc). Hồi tháng 1, DeepSeek đã gây chú ý trong giới công nghệ khi ra mắt mô hình AI DeepSeek-V3 miễn phí và phiên bản DeepSeek-R1 có tính năng tương tự với ChatGPT-mô hình AI tạo sinh của Công ty OpenAI. Công nghệ này được cho là có chi phí phát triển thấp hơn đáng kể so với các mô hình AI khác và sử dụng chip ít phức tạp hơn, nhưng có năng lực tương đương với các sản phẩm AI của các công ty tiên phong ở Mỹ.
Thông tin này đã gây chấn động Thung lũng Silicon và khiến cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ lao dốc. Chi phí thấp và thời gian phát triển ngắn của AI Trung Quốc cũng khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi về kế hoạch chi tiêu khổng lồ của các công ty AI hàng đầu tại Mỹ.
Giới chuyên gia cho rằng, thành công của DeepSeek có thể tái cân bằng sân chơi AI toàn cầu, khi các công ty nhỏ và vừa vẫn có thể cạnh tranh trong cuộc đua AI, ngay cả khi họ có ít tiền hoặc hạn chế về khả năng tiếp cận các con chip tiên tiến nhất.
Tuy vậy, vấn đề bảo mật và quyền riêng tư của người dùng cần phải được đặt lên hàng đầu, có như vậy, sự phát triển của công nghệ mới song hành với một tương lai AI minh bạch, an toàn và có lợi cho tất cả mọi người.
NGỌC HÂN
Theo https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/nhieu-nuoc-lo-ngai-van-de-bao-mat-t...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận