Môt năm xung đột Nga-Ukraine: Phương Tây duy trì mặt trận ra sao?
Phương Tây đã phát đi những thông điệp rõ ràng về sự ủng hộ mạnh mẽ hơn đối với Ukraine, thông qua những cam kết tại Hội nghị An ninh Munich, hay chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Mỹ Biden tới Ukraine vừa qua. Kiev sẽ tiếp tục nhận được sự viện trợ lớn hơn, đặc biệt là về vũ khí.
Tính toán của phương Tây
Tại Hội nghị An ninh Munich mới đây, các nước châu Âu và NATO cam kết sẽ ủng hộ mạnh mẽ hơn và cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, kể cả các khí tài hạng nặng. Điều này cho thấy, sẽ không có bất cứ đối thoại, xuống thang nào giữa phương Tây và Nga vào thời điểm này và phương Tây đang ngày càng trở nên cứng rắn, thậm chí có thể gọi là hiếu chiến hơn, trong cách tiếp cận giải quyết xung đột Nga-Ukraine.
Lãnh đạo các quốc gia hàng đầu của phương Tây, từ Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, hay Tổng thư ký NATO… đều kêu gọi các nước đồng minh NATO tăng gấp đôi nỗ lực cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Quan điểm ngày càng cứng rắn, đối đầu quyết liệt của phương Tây với Nga xuất phát từ nhiều lý do. Thứ nhất, phương Tây tuyệt đối không chấp nhận một thất bại của Ukraine bởi việc Ukraine thất bại có thể sẽ là bước khởi đầu cho sự sụp đổ của trật tự thế giới mà phương Tây đang tìm mọi cách duy trì từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, một trật tự rõ ràng là có lợi cho phương Tây nhưng đang ngày càng thể hiện có quá nhiều bất hợp lý cho phần còn lại của thế giới.
Do đó, việc phương Tây gia tăng trợ giúp quân sự cho Ukraine, ngày càng cung cấp nhiều vũ khí hạng nặng hơn, hiện đại hơn, bất chấp nguy cơ xung đột leo thang, chính là để bảo vệ lợi ích chiến lược này của phương Tây.
Vào thời điểm này, ưu tiên đó càng lớn hơn bởi như cảnh báo của ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, Ukraine đang thiếu đạn dược trầm trọng, nhất là các loại đạn 152mm và 155mm, và nếu phương Tây không khẩn cấp cung cấp vũ khí, đạn dược ngay lập tức thì cuộc xung đột có thể sẽ kết thúc chỉ trong vòng vài tuần tới, với kết cục thê thảm cho Ukraine và phương Tây, một khi Nga mở một chiến dịch tấn công mới trên quy mô lớn. Do đó, dồn mọi nguồn lực trợ giúp vũ khí cho Ukraine vừa là ưu tiên chiến lược, vừa là ưu tiên chiến thuật hàng đầu với phương Tây vào lúc này.
Một lí do khác khiến giọng điệu của phương Tây ngày càng leo thang với Nga, có thể là do thực tế chiến trường trong hơn 1 năm qua tại Ukraine. Việc quân đội Nga không sớm đạt được một số mục tiêu đề ra đã thay đổi khá nhiều nhận thức và đánh giá về sức mạnh của Nga từ phía phương Tây. Rất nhiều phân tích của các quan chức, học giả phương Tây thời gian qua cho rằng trước đây phương Tây đã đánh giá quá cao sức mạnh quân sự của Nga, do đó, khi Nga gặp một số bất lợi trên chiến trường, tuyên bố của các quan chức phương Tây đã thay đổi nhiều.
Từ chỗ e ngại leo thang, tự đặt ra các lằn ranh đỏ để tránh xung đột trực diện với Nga, phương Tây giờ đây ngày càng ít dè dặt hơn, sẵn sàng gia tăng đối đầu với Nga trên khía cạnh quân sự, có lẽ chỉ còn thiếu việc gửi quân trực tiếp tham chiến. Mục đích có lẽ cũng không phải là phương Tây muốn tạo ra một cuộc chiến trực diện với Nga mà như phát biểu của rất nhiều quan chức phương Tây, như Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Tổng thư ký NATO, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson…. đó là để làm suy kiệt sức mạnh của Nga, khiến Nga mãi mãi không thể gượng dậy trong tương lai.
Phương Tây có duy trì được mặt trận thống nhất lâu dài?
Cuộc xung đột tại Ukraine đã tạo ra những biến động cực kỳ to lớn về địa chính trị và kinh tế tại phương Tây, đẩy nhiều nước phương Tây rơi vào khủng hoảng năng lượng, đối mặt với lạm phát cao kỷ lục trong vài thập kỷ. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, mặt trận đoàn kết của các nước phương Tây vẫn đang được duy trì một cách vững chắc.
Cho đến cách đây 3-4 tháng, vẫn có một số rạn nứt nhất định trong cách tiếp cận của phương Tây với Nga, như việc Đức-Pháp vẫn muốn duy trì đối thoại, thậm chí công khai tuyên bố cần tính đến những quan ngại an ninh của Nga trong một cấu trúc an ninh mới hậu xung đột, trong khi các nước Đông Âu, Baltic muốn chống Nga đến cùng. Tuy nhiên, qua cách hành xử của Đức và Pháp gần đây, có thể thấy hầu hết các nước phương Tây giờ đây đều có chung một nhận thức về cuộc xung đột này, có lẽ chỉ trừ Hungary.
Nước Đức của Thủ tướng Olaf Scholz từ chỗ chần chừ nhiều tháng mới quyết định gửi xe tăng Leopard 2 cho Ukraine thì giờ đây đang trở thành lá cờ đầu trong việc vận động các đồng minh trợ giúp vũ khí cho Ukraine. Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron cũng không còn nhắc đến việc duy trì đối thoại với Tổng thống Nga, Vladimir Putin mà công khai tuyên bố muốn “đánh bại Nga”.
Về mặt ngắn và trung hạn, có rất ít dấu hiệu cho thấy mặt trận đoàn kết của phương Tây bị rạn nứt. Các nước phương Tây giờ đây đang trong logic đối đầu quyết liệt với Nga và được xem là đã vượt qua những thời điểm khó khăn nhất trong giai đoạn đầu chịu tác động của xung đột.
Tất cả những yếu tố này có thể sẽ sớm thay đổi tuỳ theo diễn biến trên chiến trường, cũng như các ưu tiên trong chính sách của chính quyền Mỹ, nhân tố quan trọng nhất duy trì được khối thống nhất của phương Tây. Dù vậy, với các phát biểu mới đây của ông Joe Biden tại Kiev và Ba Lan, có thể thấy Tổng thống Mỹ cũng đã đánh cược sẽ gắn vận mệnh chính trị của mình vào kết cục của xung đột tại Ukraine và theo đuổi đường lối đối đầu toàn diện với Nga, bất chấp nguy cơ xung đột vượt ra ngoài tầm kiểm soát./.
Quang Dũng/VOV-Paris
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận