Câu chuyện quốc tế: Thưởng tiền... để kết hôn
Tại văn phòng đăng ký kết hôn ở thành phố Lữ Lương, phía Bắc tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), chú rể Xue Zhenkai cùng cô dâu Liu Cuifang tự hào khoe giấy đăng ký kết hôn với mọi người. Họ là một trong nhiều cặp đôi đến đây đăng ký kết hôn và nhận khoản tiền 1.500 nhân dân tệ như một món quà cưới mà chính quyền thành phố gửi tặng.
Thành phố Lữ Lương là một trong nhiều nơi ở Trung Quốc đang đưa ra các chính sách khuyến khích các cặp đôi kết hôn hoặc sinh con.
Theo đó, phần thưởng dành cho các cặp đôi kết hôn dưới 35 tuổi là 1.500 nhân dân tệ (khoảng 5,2 triệu đồng). Số tiền này so với mặt bằng chung ở Trung Quốc còn khiêm tốn, nhưng cũng bằng một nửa mức lương trung bình hằng tháng ở Lữ Lương. Ngoài ra, thành phố còn cung cấp các hỗ trợ xã hội về việc đăng ký sinh con và tư vấn sức khỏe.

Khi chính quyền thành phố Lữ Lương công bố tiền thưởng nhằm khuyến khích các cặp đôi kết hôn hồi năm ngoái, nhiều người cho rằng, khoản hỗ trợ này quá khiêm tốn so với chi phí sinh hoạt.
Tuy nhiên, sau khi có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, chính sách này nhận được tín hiệu tích cực từ phía giới trẻ. “Tôi nghĩ chính sách này có hiệu quả trong việc khuyến khích thanh niên kết hôn. Khi tôi kể với bạn bè về khoản tiền thưởng trên, họ đều cho rằng nó thật tuyệt vời!”, chú rể Zhang Gang chia sẻ.
Trong khi cặp đôi Xue Zhenkai và cặp đôi Zhang Gang đến đăng ký kết hôn thì tại văn phòng ngày 12-2 cũng có nhiều cặp đôi đến để nhận tiền thưởng. Wang Yanlong, 36 tuổi, người đến nhận tiền thưởng sau khi kết hôn vào đầu tháng 1, cho biết: “Chúng tôi nhận tiền thưởng qua máy đếm tiền tự động. Đôi khi máy báo thiếu tiền do có nhiều cặp đôi đến nhận tiền cùng một lúc”.
Nhưng liệu biện pháp tài chính này có thể đảo ngược được sự suy giảm trong hôn nhân ở Trung Quốc không? Chuyên gia mai mối Feng Yuping cho rằng, điều đó còn phụ thuộc vào quan điểm hôn nhân của từng người. Bà Feng, 48 tuổi, cho biết, bà gặp khó khăn khi tìm chồng cho các khách hàng nữ. Bà giải thích: “Một người đàn ông có bằng thạc sĩ làm việc cho một doanh nghiệp nhà nước, đó là vị trí đáng mơ ước ở Trung Quốc. Nhưng người này sẽ không hứng thú với một phụ nữ làm việc trong cơ quan nhà nước, ngay cả khi cô ấy có bằng thạc sĩ. Quan điểm của một số đàn ông về hôn nhân vẫn còn nhiều vấn đề. Trong khi đó, phụ nữ thường có trình độ học vấn cao hơn và có công việc tốt hơn, nhưng lại bị từ chối tình cảm vì tuổi tác. Một số người đôi khi từ bỏ việc kết hôn”.
Nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, đặc biệt là chi phí nuôi con, là nguyên nhân chính khiến giới trẻ Trung Quốc ngày càng ngần ngại kết hôn. Bên cạnh đó, thị trường việc làm cũng trở nên khó khăn hơn, khiến các cặp đôi chậm trễ trong việc ổn định cuộc sống. Số liệu thống kê mà Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố mới đây cho thấy, tổng cộng có khoảng 6,1 triệu cặp đôi đã kết hôn vào năm ngoái, giảm mạnh so với 7,7 triệu cặp đôi vào năm 2023. Mức giảm 20,5% trùng với năm thứ ba liên tiếp dân số Trung Quốc giảm.
Kết hôn là bước gần như bắt buộc ở Trung Quốc trước khi sinh con. Sinh con ngoài giá thú cực kỳ hiếm vì chúng bị chỉ trích và không được công nhận cũng như bảo vệ ở mức độ tương đương. Do đó, việc giảm số lượng các cặp vợ chồng kết hôn sẽ tự động dẫn đến việc giảm tỷ lệ sinh. Ngoài ra, nhiều cặp vợ chồng ngần ngại sinh con vì sợ chi phí giáo dục cao, trong đó bao gồm phí trông trẻ và học thêm, thường được coi là cần thiết để bảo đảm thành công trong học tập của trẻ.
Trung Quốc đã chấm dứt chính sách một con vào năm 2016, chính sách đã được áp dụng từ đầu thập niên 1980 do lo ngại về tình trạng quá tải dân số. Từ năm 2021, chính phủ đã cho phép tất cả các cặp vợ chồng được sinh 3 con. Nhưng những biện pháp này đã không thể đảo ngược tình trạng suy giảm dân số. Với tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng lên hệ thống lương hưu và y tế. Từ năm 2025, độ tuổi nghỉ hưu hợp pháp của nam giới sẽ được tăng dần lên 63 tuổi, so với mức 60 tuổi hiện nay. Đối với phụ nữ, độ tuổi nghỉ hưu sẽ tăng từ 50 đến 55 tuổi, hoặc từ 55 đến 58 tuổi, tùy thuộc vào công việc mà họ đang làm.
Để đối phó với tình trạng già hóa dân số, nhiều địa phương của Trung Quốc đã đưa ra những chính sách khuyến khích kết hôn và sinh con. Ví dụ, huyện Thượng Du ở miền Trung tỉnh Giang Tây cung cấp hỗ trợ tài chính cho bất kỳ gia đình nào có con thứ hai hoặc thứ ba. Tại Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc, các bậc cha mẹ có 3 con có thể nhận được trợ cấp tối đa 165.000 nhân dân tệ (gần 575 triệu đồng). Theo truyền thông địa phương của Trung Quốc, những biện pháp này góp phần tăng tỷ lệ sinh tại Thiên Môn vào năm 2024.
Còn ở Lữ Lương, người ta cho rằng, tiền thưởng chỉ là yếu tố thứ yếu trong quyết định kết hôn. “Chi phí kết hôn của các cặp đôi trẻ rất cao. Nhưng chỉ cần hai người yêu nhau, họ chắc chắn sẽ đeo nhẫn vào ngón tay của nhau”, chú rể Zhang Gang tự tin nói trước khi dắt tay cô dâu rời khỏi văn phòng đăng ký kết hôn.
PHƯƠNG LINH
Theo https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/cau-chuyen-quoc-te-thuong-tien-de-k...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận