Quốc hội lo thất thoát tài sản công, yêu cầu quản lý chặt vốn nhà nước
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lo ngại: Quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn, phải xử lý hình sự.
Báo cáo trước Quốc hội sáng 21/5, Chính phủ cho biết đã phát hiện một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng về quản lý nhà, đất, phải xử lý hình sự. Thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững.
Báo cáo nêu rõ, quản lý tài sản công nhiều nơi còn lỏng lẻo, thất thoát, lãng phí. Việc quản lý, kiểm soát các hoạt động thanh toán qua mạng, chuyển tiền còn bất cập.
Trính bày Báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng 21/5, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ lo ngại về tình trạng tài sản công thất thoát qua một số vụ việc vừa bị phát hiện.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội
Ông Vũ Hồng Thanh nêu thực trạng: Quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn, phải xử lý trách nhiệm hình sự cả cán bộ ở cơ quan địa phương và trung ương. Như vụ chuyển nhượng trái phép nhiều tài sản công tại thành phố Đà Nẵng cho Phan Văn Anh Vũ, đã khởi tố bị can với 02 cán bộ nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần báo cáo thêm về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là kết quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát do tham nhũng, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; những bài học rút ra và trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong quản lý, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ cũng như trong việc quản lý tài nguyên, nguồn lực của đất nước. Có ý kiến đề nghị cần tính toán tỷ lệ thất thoát, lãng phí tài sản công so với GDP hàng năm để cảnh báo đầy đủ về thực trạng này.
Siết chặt quản lý, sử dụng vốn nhà nước để tạo hiệu quả thực chất. (Ảnh minh họa: KT)
Cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ cũng lưu ý, trên cơ sở kết quả giám sát của Quốc hội, cần tạo sự chuyển biến thực chất về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đẩy nhanh việc cơ cấu lại khu vực này và xử lý các DNNN thua lỗ, có dấu hiệu mất an toàn. Xử lý nghiêm lãnh đạo các DNNN vi phạm quy định về công bố thông tin, tài chính, kế toán.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao việc sử dụng, quản lý vốn và tài sản Nhà nước của các doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
"Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019...", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ./.
Trần Ngọc/VOV.VN
( Nguồn vov.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận