Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm
Trong hai ngày 24 và 25/10, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Dự kiến lấy phiếu tín nhiệm 48 người
Chiều 24/10, sau khi thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch, Quốc hội sẽ tiến hành các bước để lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy sẽ trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được Quốc hội tiến hành bằng bỏ phiếu kín vào sáng 25/10. Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố vào chiều cùng ngày.
Tại kỳ họp này, dự kiến sẽ có 48 người được lấy phiếu tín nhiệm gồm: Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội; Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Hai trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm do chưa đủ thời gian công tác 9 tháng gồm Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Lấy phiếu tín nhiệm là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
“Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Theo chương trình kỳ họp, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội.
Lý giải điều này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, UBTVQH đã cân nhắc kỹ lưỡng các phương án và thấy rằng, phương án sắp xếp 2 hoạt động quan trọng này như vậy là hợp lý và sẽ bảo đảm được tính khách quan, công bằng trong việc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm là đối với tất cả các thành viên Chính phủ nhưng chất vấn chỉ một số thành viên Chính phủ có nội dung trong Nghị quyết giám sát chuyên đề và Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội.
Mặt khác, chúng ta phải xác định rất rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm là Quốc hội đánh giá mức độ tín nhiệm của người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trên cơ sở thực tế điều hành, quản lý trong suốt thời gian gần 3 năm từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Quốc hội đã yêu cầu người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình gửi đến ĐBQH. Cùng với báo cáo này, trên cơ sở theo dõi, giám sát hoạt động của các thành viên Chính phủ, ý kiến, đánh giá của cử tri và nhân dân… thì ĐBQH sẽ có đủ cơ sở, đủ dữ liệu để đánh giá đúng người, đúng việc, công tâm, khách quan đối với người được lấy phiếu tín nhiệm.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đã tạo ra những kết quả rất tốt
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết thêm, việc lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã được thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII. Quốc hội đã có Nghị quyết số 85/2014/QH13 về vấn đề này.
Thực tế cho thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm đã tạo ra những kết quả rất tốt. Nhiều đồng chí khi lấy phiếu tín nhiệm thì kết quả chưa cao nhưng sau đó đã có những điều chỉnh, rút kinh nghiệm, đổi mới phương thức điều hành, lãnh đạo và tạo ra những chuyển biến rõ rệt đối với ngành, lĩnh vực phụ trách, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, tác dụng của việc lấy phiếu tín nhiệm là rất rõ, vì qua lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu sẽ thấy được thực tế, cá nhân mình, bộ, ngành mình phụ trách đang được ĐBQH, cử tri và nhân dân đánh giá như thế nào và có vấn đề gì phải điều chỉnh, phải thay đổi để đáp ứng được yêu cầu công việc cũng như mong muốn, đòi hỏi của người dân.
Mặt khác, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng đã có quy định rất rõ ràng. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá là “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; có từ 2/3 tổng số ĐBQH trở lên đánh giá là “tín nhiệm thấp” thì UBTVQH trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu có trường hợp nào như vậy thì Quốc hội sẽ tiến hành các bước tiếp theo đúng như quy định của Nghị quyết 85 thôi./.
(Nguồn Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận