Chủ quan không tiêm phòng, nhiều trẻ bị cúm biến chứng viêm não nặng
Tại BV Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay đã có 3 ca biến chứng viêm não, trong khi những năm trước, cả năm mới có 1-2 ca.
Thời điểm này, tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ nhập viện do nhiễm cúm chiếm tỷ lệ cao. Mỗi ngày, khoa tiếp nhận 3 - 15 trẻ mắc cúm.
Bác sĩ Đỗ Thiện Hải - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện nay đang là thời điểm giao mùa nên là điều kiện để nhiều dịch bệnh bùng phát, trong đó có cúm mùa.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhi 5 tuổi, nhập viện với triệu chứng sốt cao, đau đầu và nôn khan.
Bé gái 2 tuổi bị sốt cao liên tục trong 3 ngày, gia đình cho uống hạ sốt nên đến ngày thứ 4 bé hạ sốt nên gia đình chủ quan không cho đi khám lại. Tuy nhiên, sau đó thấy bé không ăn uống, ngủ li bì nên gia đình đã lập tức đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm não sau cúm. Rất may, gia đình đưa bé tới viện kịp thời nên hiện bé đã qua cơn nguy kịch.
Bé trai 4 tuổi ở Hải Dương cũng xuất hiện triệu chứng sốt cao nhiều ngày, có biểu hiện co giật, li bì, gia đình đưa đi khám mới biết con bị viêm màng não sau cúm.
Theo bác sĩ Hải, sau thời gian điều trị tích cực, hiện cả 3 bệnh nhi mắc cúm biến chứng viêm não đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.
“Viêm não do cúm là biến chứng rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại di chứng về thần kinh, nặng có thể gây tử vong”- BS Hải cho biết.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, virus cúm mùa thường phát triển mạnh vào mùa đông xuân. Cúm mùa sẽ tự khỏi sau 2-7 ngày. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp biến chứng nặng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do virus tấn công sâu vào phổi, viêm não, dẫn đến nguy cơ tử vong.
Theo các bác sĩ, triệu chứng hay gặp ở cúm mùa là sốt, nghẹt mũi, chảy nước mũi, nhức đầu, ho... Với trẻ nhỏ, cúm mùa có thể gây sốt cao 39-40 độ, uống hạ sốt không đỡ, viêm đường hô hấp trên với các triệu chứng chảy nước mũi, ho, đau rát họng...
Những lưu ý khi trẻ mắc cúm
Vì vậy, khi trẻ bị cúm, sốt, phụ huynh nên dùng thuốc hạ sốt paracetamol 6 tiếng/lần và vệ sinh mũi, miệng, họng cho trẻ hàng ngày. Nếu trẻ ho, phụ huynh cần đặc biệt chú ý khi dùng thuốc giảm ho, tốt nhất nên dùng theo chỉ định của bác sĩ để tránh biến chứng viêm phổi.
Bác sĩ Hải cho biết, đối với trẻ mắc cúm, cần bổ sung thêm chất dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ. Đặc biệt, với những trường hợp trẻ phải dùng thuốc Tamiful, cần cho trẻ uống trong khoảng 48 giờ đầu và phải theo chỉ định của bác sĩ.
Được biết, các chủng cúm thông thường ở Việt Nam như: H1N1, H3N2 đều có vaccine phòng ngừa. Tuy nhiên, do tỷ lệ tiêm phòng cúm còn ít, nhiều cha mẹ chủ quan nên tỷ lệ mắc bệnh cao.
Để phòng tránh nguy cơ nhiễm cúm và gặp biến chứng do cúm gây ra, người dân nên tiêm vaccine đầy đủ.
Bệnh cúm có khả năng lây nhiễm rất cao, dễ dàng lây từ người sang người qua đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh hắt hơi, ho khạc.
Vì vậy, khi mắc cúm, cần rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.
Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; ăn uống đủ chất để phòng nhiễm cúm./.
Thy Hạt/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận