Kiến nghị bỏ quy định khuyến mãi tối đa 20% với thuê bao trả trước
Từ ngày 1/3/2018, theo quy định của Bộ TT&TT, các doanh nghiệp viễn thông chỉ được khuyến mại tối đa 20% đối với thuê bao trả trước.
Ảnh minh họa
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT cho biết, văn bản quy định khuyến mại tối đa 20% với thuê bao trả trước của Bộ Thông tin và Truyền thông không phù hợp về quản lý doanh nghiệp, thậm chí không tuân thủ kinh tế thị trường, ít có cơ quan quản lý nào quy định doanh nghiệp khuyến mãi chỉ 20%.
“Tôi e rằng, cơ sở pháp lý của quy định này chưa phù hợp. Ở nước ngoài vẫn khuyến mãi 70-80% tùy vào hàng tồn kho của doanh nghiệp để quyết định”, ông Trần Mạnh Hùng lý giải.
Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, các chính sách vĩ mô đã ảnh hưởng nhiều đến kinh doanh và môi trường viễn thông, trong đó có quy định khuyến mãi tối đa 20% đối với thuê bao trả trước, hạn chế thanh toán qua thẻ cào cho các dịch vụ nội dung số…
Về quy định này, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông giải thích, cơ sở pháp luật quy định tối đa khuyến mãi 20% đối với thuê bao trả trước hoàn toàn hợp lý theo Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định hướng dẫn Luật Viễn thông.
Mục tiêu của quy định này là tăng cường thuê bao trả sau, vì sử dụng thuê bao trả trước xuất hiện nhiều tin nhắn rác. Áp dụng quy định này, khách hàng sẽ chuyển từ thuê bao trả trước sang thuê bao trả sau, khi đó quyền lợi của khách hàng không đổi.
Lãnh đạo Cục Viễn thông cũng đề nghị các doanh nghiệp báo cáo số lượng thuê bao chuyển đổi từ trả trước sang trả sau để Bộ có cơ sở báo cáo về kiến nghị bỏ quy định khuyến mãi tối đa 20% với thuê bao trả trước.
Liên quan đến tần số phục vụ mạng 4G, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cũng kiến nghị cơ quan quản lý cho phép doanh nghiệp sử dụng có trả phí băng tần 2,6 GHz trong khi chờ đợi hướng dẫn Luật Đấu giá tài sản công.
Theo đại diện Viettel, hiện doanh nghiệp viễn thông phải tận dụng lại tần số của 2G để làm 4G, việc này không đủ cho tăng trưởng. Nếu được cấp tần số sẽ giúp nhà mạng có độ phủ cao, đồng thời giảm giá thành.
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, đơn vị này đã dành tần số 2,6 GHz cho 4G. Tuy nhiên, việc đấu giá băng tần này đúng thời điểm Luật Đấu giá tài sản công ra đời.
Vì đây là loại tài sản đặc biệt nên nhà quản lý vẫn đang loay hoay việc áp dụng Luật như thế nào để đấu giá tần số.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành thông tin và truyền thông ngày 9/7, ông Đoàn Quang Hoan cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo Chính phủ xin chủ trương, hướng dẫn để tiến hành đấu giá băng tần này cũng như xin ý kiến về đề nghị của doanh nghiệp cho sử dụng trước khi đấu giá./.
Hiền Minh ( Nguồn Chính phủ điện tử)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận