Phương án thi THPT Quốc gia 2019 bao giờ mới được chốt?
Nhiều thầy cô giáo và học sinh mong chốt phương án thi THPT Quốc gia 2019 để thuận lợi hơn trong việc giảng dạy, ôn luyện đạt hiệu quả cao.
Chỉ còn vài tháng nữa diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia 2019, nhưng vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn về mục đích của kỳ thi và những giải pháp chống tiêu cực mà Bộ GD-ĐT đưa ra...
Mông lung 1 hay 2 mục tiêu?
Theo phương án thi THPT Quốc gia 2019 mà Bộ GD-ĐT đang xây dựng, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, bảo đảm phù hợp năng lực học sinh phổ thông, có độ phân hóa phù hợp. Thông tin rất rõ ràng nhưng giáo viên, học sinh vẫn không khỏi băn khoăn về mục đích của kỳ thi.
ởi theo TS. Vũ Thế Quân, Hiệu trưởng trường THPT Đông Đô, Hà Nội, ngày 25/9, trong buổi giải trình của Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có nói: “Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 có mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT, kiến thức chủ yếu ở chương trình lớp 12”. Thông tin nhanh chóng được các thầy cô giáo tiếp nhận để định hướng cho việc dạy học và ôn tập.
Tuy nhiên, trong những ngày đầu của kỳ họp thứ 6, Quốc khóa XIV, Bộ trưởng lại phát biểu khác. Cụ thể, ngày 26/10, Bộ trưởng nói: “Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 thực hiện để xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để tuyển sinh vào trường đại học, cao đẳng”.
Như vậy, với ý kiến này, kỳ thi trở lại nguyên trạng là kỳ thi 2 trong 1. Theo TS. Vũ Thế Quân, hai lần phát biểu của Bộ trưởng khiến giáo viên, học sinh rất hoang mang.
Nhiều ý kiến giáo viên cho rằng, chỉ còn 7 tháng nữa kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 bắt đầu nhưng hiện tại vẫn không định hình rõ mục đích của kỳ thi là gì, chỉ để xét tốt nghiệp hay có cả hai mục đích. Trong khi đó, điều này phải rất rõ ràng để giáo viên, học sinh triển khai việc học sao cho phù hợp. Theo quy định hiện hành, kỳ thi “2 trong 1” sẽ có cấu trúc gồm 40% kiến thức nâng cao và 60% kiến thức cơ bản. Về nội dung, năm 2017, nội dung chủ yếu tập trung chương trình lớp 12, năm 2018 bao gồm lớp 11 và 12, năm 2019 bao gồm lớp 10, 11 và 12.
“Tôi không hiểu tại sao Bộ GD-ĐT lại đưa ra quy định ngặt nghèo với học sinh như vậy khi kiến thức bao gồm cả 3 khối? Và cũng không hiểu đến năm 2019 có thi kiến thức của cả 3 khối hay không?”, TS Quân bày tỏ.
TS Quân cho rằng, gánh nặng hiện nay đè lên đầu học sinh lớp 12 là ôn xong chương trình lớp 12 sẽ ôn tiếp lớp 11 và 10.
Thi trắc nghiệm lại không có trọng tâm nào cả nên học sinh phải ôn lại toàn bộ chương trình của 3 khối. Đó là gánh nặng quá tải hiện nay cho học sinh và giáo viên lớp 12.
Trước những thông tin mông lung, nhiều trường chỉ ôn tập thật cơ bản vì dự kiến kỳ thi chủ yếu xét tốt nghiệp và mất phương hướng không hiểu tuyển sinh đại học sẽ ra sao. Em Hoàng Ngọc Thiện, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Trấn Biên (TP. Biên Hòa) cho rằng, điều mà em quan tâm nhất là em có phải tham gia một kỳ thi khác để xét tuyển đại học hay không.
Hiện nay, Thiện đang tập trung ôn các môn thi thuộc khối A1 với mong muốn xét tuyển vào Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Không biết liệu trường này có dùng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển đại học hay không. Ðây chắc chắn cũng là điều mà rất nhiều học sinh đang thắc mắc và mong ngóng Bộ GD-ÐT sớm có câu trả lời chính thức.
Lắp camera 24/24h có chặn được tiêu cực?
Mùa tuyển sinh vừa qua dư luận khá lo lắng về tình trạng gian lận cũng xuất phát từ người chấm, người quản lý, người tổ chức kỳ thi. Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, một loạt cán bộ quản lý, chấm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình... bị bắt giam, khởi tố hình sự vì gian lận trong việc chấm thi, lên điểm thi. Ngoài ra, còn nhiều địa phương khác có nghi vấn nhưng chưa được làm rõ, chưa có cơ sở để xử lý.
Chính vì thế, thay đổi quan trọng trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 nằm ở khâu chấm thi. Dự kiến, công tác chấm thi trắc nghiệm do Bộ GD-ĐT chủ trì tổ chức chấm tập trung. Phòng chấm thi có camera giám sát 24/24 giờ, cán bộ giám sát chấm trắc nghiệm phải am hiểu về công nghệ thông tin… Phần mềm chấm thi trắc nghiệm được sửa đổi, nâng cấp theo hướng phân quyền cụ thể và mã hóa dữ liệu để tránh người dùng can thiệp. Đặc biệt là cán bộ xử lý bài thi không thể biết mối liên hệ giữa thông tin cá nhân thí sinh với nội dung trả lời trắc nghiệm (đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm), người được cấp quyền truy cập có thể mở nhưng không sửa được thông tin…
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, đây không phải là biện pháp mấu chốt để chặn đứng tiêu cực. Theo một luật sư ở Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, nếu họ biết việc gian lận khi chấm bài, lên điểm, công bố điểm, quản lý thi cử có thể bị khởi tố, bị tù tội, mất hết tất cả danh dự, sự nghiệp... thì chắc chắn rất ít người dám thực hiện. Còn việc lắp camera 24/24h không phải là giải pháp tốt để ngăn chặn tiêu cực trong kỳ thi này./.
“Phòng chấm thi có camera giám sát 24/24 giờ là việc cần thiết nhưng quan trọng nhất là lắp camera để cho ai giám sát? Nếu lắp chỉ để giám sát trong nội bộ thì tiêu cực vẫn còn, vì thế, cần phải chấp nhận sự giám sát của cả xã hội. Nếu chấp nhận công khai cho xã hội giám sát thì tôi tin rằng sẽ không ai dám sai phạm như vụ việc vừa qua”.
TS Lê Viết Khuyến
Hoàng Dũng/báo TNVN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận