ASEAN tập trung thảo luận chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
ASEAN có chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng mình, nhằm ứng phó với tình hình địa chính trị khu vực đang thay đổi.
Sáng 18/1, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AMM Retreat 2019) đã khai mạc tại thành phố Chiang Mai, Thái Lan với chủ đề thảo luận tập trung về phiên bản Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thể hiện ý chí của các nước thành viên nhằm đối phó với tình hình địa chính trị khu vực đang thay đổi nhanh chóng và sâu sắc.
Theo đó, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ASEAN sẽ không ràng buộc khối này với bất kỳ một quốc gia cụ thể nào, thay vào đó sẽ là một giải pháp “đôi bên cùng thắng”.
ASEAN cũng đã đưa ra được phiên bản cho riêng mình, bao gồm những nguyên tắc, đặc điểm tương tự đề xuất của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Phiên bản trên chứa đựng các yếu tố như tính chất rộng mở, có sự tham gia của tập thể các quốc gia liên quan, tính minh bạch, một trật tự thế giới dựa trên nguyên tắc và vai trò trung tâm của ASEAN.
Tại Hội nghị lần này, các bộ trưởng sẽ phải quyết định giữ tên sáng kiến là “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” theo đề nghị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hoặc đặt tên khác.
Liên quan đến chủ đề này, theo một nguồn tin từ truyền thông Thái Lan, Ngoại trưởng Indonesia và người đồng cấp Thái Lan đã hội đàm lần thứ hai kể từ cuối năm 2018 để thảo luận về một văn bản định hình khái niệm chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sửa đổi do Indonesia đề xuất.
Các ngoại trưởng ASEAN thảo luận về vai trò của khối trong việc giảm nhiệt căng thẳng liên quan đến cuộc khủng hoảng ở bang Rakhine của Myanmar. Các Bộ trưởng dự kiến sẽ thông qua một kế hoạch cử phái đoàn ASEAN đến đánh giá tình hình ở thực địa để hỗ trợ tiến trình hồi hương những người bị ảnh hưởng bởi xung đột ở bang Rakhine. Lập trường của ASEAN là việc hồi hương của những người này phải trên cơ sở tự nguyện, an toàn, an ninh và tôn trọng.
Về vấn đề Biển Đông, các ngoại trưởng thảo luận về tình hình diễn biến thực tế bao gồm cả cuộc thương lượng giữa ASEAN và Trung Quốc về việc soạn thảo bộ quy tắc ứng xử để kiểm soát, không để căng thẳng leo thang.
Ông Vũ Hồ, Vụ trưởng vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cho biết: “Đối với tiến trình xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), các Ngoại trưởng nhất trí sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử các bên trên biển Đông (DOC), trong khi chờ đợi xây dựng bộ quy tắc ứng xử có hiệu lực và hiệu quả. Các Ngoại trưởng cũng trao đổi tiến trình đàm phán bộ quy tắc ứng xử này và phấn đấu trong năm 2019 sẽ đạt được một số kết quả nhất định”.
Bên cạnh đó, các ngoại trưởng ASEAN cũng thảo luận về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và bày tỏ ủng hộ phấn đấu trong năm 2019 sẽ đạt được một thoả thuận có thể chấp nhận được cho các nước tham gia.
Liên quan đến mong muốn gia nhập ASEAN của Đông Timor, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết ASEAN sẽ gửi một phái đoàn khảo sát để đánh giá sự sẵn sàng của quốc gia non trẻ này./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận