Rắc rối quanh vụ ông Trần Văn Thêm nhận bồi thường 6,7 tỷ đồng oan sai
Đại diện công ty luật bị tố đã gặp gỡ báo chí để trần tình về việc ông Trần Văn Thêm nhận bồi thường 6,7 tỷ nhưng chỉ cầm về hơn 2 tỷ.
Ông Trần Văn Thêm (SN 1936, Bắc Ninh) là người được nhận số tiền 6,7 tỷ đồng bồi thường từ TAND cấp cao tại Hà Nội sau hơn 40 năm mang bản án giết người oan. Cụ thể vào năm 1970, ông Thêm cùng người em họ Nguyễn Khắc Văn trong một chuyến đi buôn đã bị cướp, khi ngủ qua đêm tại căn lều cạnh Cầu Diện (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú). Hôm đó, ông Văn bị đánh tử vong.
Bản thân ông Thêm cũng bị thương ở đầu. Nhưng cơ quan điều tra khi đó lại nhận định ông là hung thủ giết em họ và ngụy tạo vết thương để che giấu tội ác. Ông Thêm bị tuyên bản án Giết người, suốt 43 năm ông đã phải chịu đựng bản án oan và từng có lần cắn ngón tay viết thư bằng máu.
Năm 2013, do hung thủ của vụ án ra đầu thú, nên ông Thêm được trả tự do. Ngày 8/8/2016, TAND Tối cao xác định ông Thêm không thực hiện hành vi phạm tội. Ba ngày sau, tòa án công khai xin lỗi ông và bồi thường mức 6,7 tỷ đồng cho 43 năm chịu án oan.
Tưởng có số tiền lớn để dưỡng già, nhưng ông Thêm tiếp tục vướng vào rắc rối với những tranh chấp từ số tiền bồi thường 6,7 tỷ đồng. Mới đây, con trai ông Thêm là Trần Văn Sáu đã làm đơn tố cáo lên công an huyện Yên Phong (Bắc Ninh) liên quan đến khoản tiền bồi thường oan sai của cha mình.
Trong nội dung tố cáo, ông Sáu cho rằng TAND Cấp cao tại Hà Nội bồi thường cho bố mình là ông Thêm 6,7 tỷ đồng nhưng khi ông Thêm nhận tiền mang về đến nhà chỉ còn 4 sổ tiết kiệm với tổng trị giá 2 tỷ đồng và 100 triệu đồng tiền mặt. Phần còn lại, ông Thêm cũng chia cho các con cháu và chỉ cầm về 100 triệu cho bản thân.
Ông Sáu cho rằng, ông Nguyễn Văn Hòa (Phó Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) và ông Trần Văn Được (cháu cụ Thêm) đã có sự không minh bạch trong việc sử dụng số tiền bồi thường oan của cha mình.
Ngày 7/8, tại cuộc gặp với một số cơ quan báo chí, ông Nguyễn Văn Hòa (Phó Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, ông hỗ trợ pháp lý cho ông Trần Văn Thêm là miễn phí, để đòi lại công bằng cho ông Thêm. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu hồ sơ vụ án gặp nhiều khó khăn do thời gian của vụ án đã lâu, tỉnh Vĩnh Phú cũng đã tách thành Vĩnh Phúc và Phú Thọ, nhiều hồ sơ chứng cứ không thể tìm được. Lúc này, ông Hòa đề nghị trả tài liệu lại cho gia đình ông Thêm vì bản thân chưa tìm ra cách minh oan.
Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết: "Lúc đó, ông Thêm có nói với tôi rằng đã tìm mọi cách để kêu oan mà không được. Giờ tôi mà bỏ thì ông ấy không biết làm thế nào. Ông Thêm cũng khẳng định sẽ chia 50% (tiền bồi thường) nếu việc minh oan thành công".
Ông Hòa nhấn mạnh, vì thấy ông Nguyễn Văn Thêm tha thiết nhờ giúp, nên đã đồng ý với phương án của ông Thêm. Nhưng số tiền ông Hòa giữ lại (nếu minh oan thành công) chỉ là 40% và ông Hòa sẽ dùng số tiền này để tiếp tục giúp đỡ những người bị oan sai. Để chứng minh, ông Hòa đã viện dẫn ra 5 trường hợp oan sai đang được mình dùng số tiền 2,7 tỷ đồng để hỗ trợ.
Giám đốc công ty luật Hòa Lợi - luật sư Vũ Văn Lợi khẳng định, việc chia tiền là thỏa thuận cá nhân giữa ông Thêm và ông Hòa, không liên quan đến công ty luật Hòa Lợi. Việc minh oan thành công cho ông Thêm, công ty luật Hòa Lợi không được hưởng đồng nào.
Đối với nội dung bài viết trên một số báo có ám chỉ công ty luật Hòa Lợi trục lợi từ vụ bồi thường của ông Thêm, luật sư Vũ Văn Lợi cho rằng, thông tin đó không chính xác./.
Trọng Phú/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận