Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về biên chế giáo viên
Tham gia trả lời chất vấn trong phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã làm rõ một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến hợp đồng và biên chế giáo viên.
- Đưa ra khỏi ngành những giáo viên bạo hành HS, năng lực kém
- Gia Lai xem xét cho thôi việc 1.456 giáo viên hợp đồng
Về vấn đề hợp đồng đối với giáo viên, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, vừa qua nhiều địa phương và các cơ sở giáo dục công lập thực hiện số lượng hợp đồng để làm công tác chuyên môn rất lớn và có thể nói có những đơn vị biên chế được giao chưa sử dụng hết, nhưng vẫn tiếp tục thực hiện cho được hợp đồng.
Do đó, trong Nghị quyết 19 và trong Nghị quyết 8 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19 đã nêu rất rõ là chấm dứt tình trạng tự duyệt biên chế hoặc giao biên chế cao hơn so với biên chế của cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định.
“Chúng ta phải rà soát, sắp xếp lại ngay trong năm 2018. Do đó, để thực hiện nghiêm vấn đề này, tôi đề nghị đối với các địa phương cũng như các cơ sở giáo dục công lập của chúng ta phải rà soát lại biên chế được giao và đánh giá về năng lực đối với các giáo viên thực hiện hợp đồng trong thời gian vừa qua”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu.
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị phải có quy định để gián tiếp quản lý trong các cơ sở giáo dục, tức là ưu tiên người làm chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỉ lệ trên 65%. Hiện nay, người làm công tác hành chính, quản lý chiếm tỉ lệ còn khá lớn. Những nơi nào còn thiếu thì phải tuyển ngay để đáp ứng được yêu cầu, không thể để cho học sinh không có giáo viên dạy và cân đối trong số biên chế đã được giao.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đề nghị việc sắp xếp và tính toán lại định mức trong các trường đối với số lớp trong trường, số giờ dạy của giáo viên. Tính toán lại tất cả định mức này để cân đối lại trong số giáo viên, số biên chế được giao thời gian qua. Đối với những trường hợp tuyển dụng viên chức đã thừa so với được giao thì giao cho các địa phương rà soát và phải bố trí giải quyết công việc cho những giáo viên này, nếu trường hợp không được thì sẽ thực hiện tinh giản biên chế.
“Vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế cân đối lại đối với những địa phương tăng dân số cơ học. Chúng ta nên nghiên cứu lại có thể xem xét, bổ sung biên chế để tránh trường hợp thiếu giáo viên hoặc thiếu người phục vụ trong các trường học. Chúng ta sẽ nghiên cứu để bổ sung và trình với Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 này”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu.
Về vấn đề đặt ra đối với giáo viên mầm non ký hợp đồng tại các đơn vị cơ sở mầm non, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, hiện nay vấn đề tuyển dụng giáo viên mầm non thực hiện theo quy định về tuyển dụng của công chức. Tuy nhiên, trong thực tế thời gian qua, việc chuyển đổi giáo viên từ các trường tư thục hoặc bán công qua các trường mầm non công lập có nhiều vấn đề đặt ra, phải xử lý.
Do đó, Chính phủ cũng đã có quy định đối với giáo viên mầm non vẫn thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động trong định mức giáo viên và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các cơ sở giáo dục mầm non công lập và hưởng chế độ chính sách như viên chức.
Để thực hiện chủ trương này, Chính phủ cũng đã chỉ đạo cho các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, sắp xếp, chấm dứt việc hợp đồng lao động làm chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, đối với lĩnh vực giáo dục và y tế, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo các địa phương phải cân đối và bảo đảm đủ giáo viên, bác sĩ để cung ứng trong vấn đề phục vụ chung.
Do vậy, quan điểm của Bộ Nội vụ là đề nghị các địa phương chưa thực hiện chấm dứt hợp đồng làm chuyên môn đối với đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non còn trong định mức biên chế, tức là còn định mức biên chế thì tiếp tục nghiên cứu xét tuyển; đặc biệt ưu tiên những người đã hợp đồng lâu năm, có trình độ, có năng lực bảo đảm yêu cầu để tuyển dụng vào biên chế. Nếu trường hợp không sắp xếp, không tuyển dụng được, cuối cùng mới thực hiện tinh giản biên chế theo đúng Nghị định 108 của Thủ tướng Chính phủ./.
Nguyễn Hoàng ( Nguồn Báo Chính phủ)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận