Đã đến lúc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu
Như tên gọi, Quỹ bình ổn giá xăng, dầu được kỳ vọng sẽ góp phần bình ổn mặt bằng giá xăng, dầu, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định tăng trưởng và an sinh xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Quỹ bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều ý kiến đề xuất, đã đến thời điểm cần loại bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu.
Theo quy định hiện hành, khi mua xăng, dầu, người tiêu dùng phải góp thêm 300 đồng/lít (kg) vào Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Mức trích lập quỹ chỉ được Bộ Tài chính điều chỉnh trong trường hợp cần thiết khi có biến động của thị trường. Quỹ được thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu hạch toán riêng bằng một tài khoản mở tại ngân hàng nơi thương nhân đầu mối có giao dịch. Thương nhân đầu mối là chủ tài khoản, thực hiện các thủ tục liên quan để mở tài khoản, trích lập, thực hiện các nghiệp vụ thu, chi từ tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng, dầu; đồng thời có trách nhiệm công bố thông tin theo quy định.
Như vậy, có thể thấy, bản chất của Quỹ bình ổn giá xăng, dầu là tiền của người tiêu dùng góp vào. Nhưng do thiếu cơ chế tham gia giám sát của người tiêu dùng nên đã tạo kẽ hở để một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường. Những vụ việc liên quan đến sai phạm trong sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty TNHH Hải Linh, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà... thời gian qua cho thấy rõ điều đó.
Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo lần 3 nghị định về kinh doanh xăng, dầu gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Trong bản dự thảo lần 3 này, điểm đáng chú ý là không còn quy định riêng về Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Thay vào đó, việc bình ổn giá xăng, dầu sẽ theo quy định của Luật Giá năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024). Tức là, khi giá xăng, dầu có biến động bất thường, Bộ Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng biện pháp bình ổn gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương để thực hiện. Sau khi có chủ trương của Chính phủ, các bộ, ngành tổ chức thực hiện. Như vậy, điểm mới là quỹ bình ổn sẽ không sử dụng thường xuyên, biện pháp bình ổn là có thời hạn. Việc trích hay chi quỹ này phải theo Luật Giá.
Nêu quan điểm về Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, về pháp lý, việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu không vi phạm quy định tại Luật Giá năm 2023. Đứng về phía doanh nghiệp xăng, dầu, Quỹ bình ổn giá xăng, dầu cũng không phát huy hiệu quả phòng ngừa rủi ro về giá trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu đối với doanh nghiệp.
Về bản chất, Quỹ bình ổn giá xăng, dầu là quỹ ngoài ngân sách, trích từ tiền của người dân nên quỹ không giúp người tiêu dùng giảm chi phí. Đã đến lúc cần xem xét bỏ quỹ này để xăng, dầu vận hành đúng nghĩa thị trường hơn.
MINH ĐỨC
Theo https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/da-den-luc-bo-quy-binh-on-gia-xan...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận