Góc nhìn giáo dục: Giao nhiệm vụ Tết cho học sinh
Tuần qua, việc thầy Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội Nguyễn Xuân Khang gửi thư cho giáo viên nhà trường yêu cầu không giao bài tập cho học sinh trong dịp Tết Nguyên đán đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cha mẹ, học sinh.
Theo thầy Khang, thời gian nghỉ Tết là dịp để học sinh nghỉ ngơi sau một học kỳ học tập căng thẳng. Khoảng thời gian này, các em có thể xả stress, nạp năng lượng, sum họp gia đình, phụ giúp cha mẹ dọn dẹp nhà cửa, làm việc gia đình, tranh thủ học hỏi thêm những điều mới hay đi du lịch...
Tuy nhiên, nhiều năm qua, vào mỗi dịp nghỉ Tết, câu chuyện nên hay không nên giao bài tập về nhà cho học sinh lại luôn là đề tài được bàn luận rôm rả. Có hai luồng ý kiến trái ngược. Ý kiến đồng tình cho rằng học tập là suốt đời và Tết không cần để học sinh phải áp lực bài vở. Nhưng quan điểm ngược lại cho rằng bài tập Tết như một cách nhắc nhở học sinh về nhiệm vụ của mình. Nếu không giao bài tập và lại không được kiểm soát tốt, các em có nhiều thời gian rảnh rỗi dễ bị chìm đắm trong trò chơi điện tử hay theo chúng bạn nghịch dại, đốt pháo, đánh bạc, đua xe... hay nhẹ nhàng hơn là quên kiến thức.
Ý kiến của bên nào cũng có lý lẽ riêng và cũng đều thuyết phục. Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã có cách làm khá thú vị, có lẽ dung hòa được cả hai. Thầy không giao bài tập về nhà nhưng giao nhiệm vụ Tết cụ thể mà học sinh nào cũng có thể làm được. Nhiệm vụ của thầy là 10 câu hỏi liên quan tới phong tục, sở thích ngày Tết, cách bảo vệ sức khỏe trong những ngày nghỉ... Sau Tết nhiều học sinh đã có những câu trả lời phong phú, thể hiện sự thay đổi về nhận thức và hiểu biết.
Cách làm của Trường THCS Quỳnh Phương phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 khi chú trọng trang bị phẩm chất, năng lực cho người học. Từ những nhiệm vụ thầy giao, từ những hoạt động Tết như tiễn ông Công ông Táo, đi tảo mộ, bày mâm ngũ quả, gói bánh chưng, dựng cây nêu... học sinh học được những kỹ năng, phẩm chất khác từ cuộc sống, qua đó bồi đắp tình yêu gia đình, dòng họ, coi trọng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương. Để người trẻ hiểu về văn hóa dân tộc, hiểu về cội nguồn cũng là cách mà những nét đẹp văn hóa của người Việt được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Bản sắc văn hóa Việt được giữ gìn trong thời buổi hội nhập có ý nghĩa hơn việc giao những bài tập với những con số, tính toán khô khan, lý thuyết.
HIỀN VINH
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/goc-nhin-giao-duc-giao-...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận