Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục đại học
Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo nói chung và trong giáo dục đại học nói riêng đang trở thành xu hướng tất yếu và được các trường đại học đặc biệt quan tâm. Những nỗ lực này không chỉ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và thị trường lao động.
Tại hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo năm 2024 với chủ đề “Giáo dục đại học với công nghệ số” được tổ chức ngày 7/12, Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Sơn Hải cho biết: Thời gian qua, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả quan trọng.
Toàn ngành hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành và kết nối thành công với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đối với giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Từ năm 2022 đã đưa vào khai thác sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học, trong đó tổng hợp thông tin dữ liệu từ tất cả trường đại học trên cả nước gồm các nhóm dữ liệu về đội ngũ, người học, chương trình đào tạo, ngành đào tạo, cơ sở vật chất, tài chính tài sản…
Đến nay, đã số hóa được dữ liệu khoảng 470 cơ sở giáo dục đại học, hơn 25 nghìn chương trình đào tạo, hơn 100 nghìn hồ sơ cán bộ, gần ba triệu hồ sơ người học. Cùng với đó, dữ liệu về giáo dục đại học được sử dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước và công tác báo cáo, thống kê, được sử dụng thống nhất trong toàn ngành, bảo đảm tính tổng thể đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu công khai của các trường đại học.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.
Từ năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành triển khai, cung cấp và tích hợp dịch vụ công mức độ bốn về “Đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông” và “Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non”; tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Năm 2024, hệ thống dịch vụ công đã tiếp nhận hồ sơ của hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó số học sinh đăng ký trực tuyến đạt hơn 94,66%; gần 4 triệu nguyện vọng xét tuyển được thí sinh đăng ký trực tuyến...
Bên cạnh việc các trường tích cực triển khai chuyển đổi số, thì cách thức triển khai ngày càng bài bản, có hệ thống hơn, cho nên đã phát huy hiệu quả trong công tác quản trị dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Theo PGS, TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, hiện tại, các giảng viên, sinh viên của đơn vị này không còn thấy các khái niệm chuyển đổi số, đại học số là mới mẻ, xa vời.
Thông qua hệ sinh thái số của học viện gồm: Quản trị số-Dịch vụ số-Xã hội số, sinh viên và cán bộ, giảng viên của trường có thể thực hiện các hoạt động, theo dõi lịch học, xem điểm thi, xác nhận hành chính, đóng học phí bằng smartphone...
Việc chuyển đổi số trong quản trị đại học là phương thức quản trị lấy người dùng làm trung tâm và vận hành cơ sở đào tạo dựa trên việc ứng dụng công nghệ số, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và các công cụ phân tích thông minh để tối ưu hiệu quả quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, nghiên cứu, tài nguyên cũng như đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt với các thay đổi trong môi trường giáo dục nhằm đạt được mục tiêu chiến lược đề ra.
Chia sẻ về trí tuệ nhân tạo trong trường đại học, PGS, TS Tạ Hải Hùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: Trí tuệ nhân tạo đã đạt được nhiều đột phá và trở thành yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng giáo dục thông qua các giải pháp hiện đại như cá nhân hóa học tập, hỗ trợ giảng dạy và mở rộng khả năng tiếp cận tri thức.
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục giúp theo dõi tiến độ học tập của học sinh và điều chỉnh nội dung, tốc độ học tập và mức độ khó của bài học một cách tự động. Đồng thời, đánh giá hiệu quả học tập của học sinh thông qua việc phân tích dữ liệu học tập, chấm bài tự động và cung cấp phản hồi cá nhân hóa. Trí tuệ nhân tạo giúp giáo viên lên kế hoạch giảng dạy chi tiết; chấm bài và nhận xét chi tiết cho từng học sinh…
Hiện nay, Đại học Bách khoa Hà Nội đang chủ trì xây dựng đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số, hướng tới việc chia sẻ trên cơ sở phát triển hệ thống nền tảng và học liệu quốc gia, đồng thời khai thác có hiệu quả những nguồn học liệu giá trị có sẵn trên thế giới.
Do đó, việc triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động của nhà trường nói riêng và các cơ sở giáo dục đào tạo nói chung là yêu cầu bắt buộc và cần thực hiện sớm nhất có thể.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đánh giá: Không ngành nào chịu tác động mạnh về chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo như ngành giáo dục và cũng không có ngành nào hưởng nhiều lợi ích từ phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số như ngành giáo dục.
Bên cạnh việc tác động và hưởng lợi từ công nghệ thông tin, ngành giáo dục còn có sứ mạng lớn trong đào tạo nhân lực, nhân tài cũng như bảo đảm nguồn nhân lực số cho đất nước. Trong thời gian tới, ngành giáo dục, nhất là giáo dục đại học có nhiệm vụ quan trọng, đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ số, qua đó thu hút được các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực, công đoạn liên quan đến nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy sự phát triển toàn bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của ngành.
Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đại học và bảo đảm nguồn nhân lực thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình giáo dục đại học số và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt.
Bộ cũng đã hoàn thành xây dựng dự thảo và sẽ sớm ban hành khung năng lực số cho người học từ mầm non đến đại học (bao gồm năng lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo) nhằm nâng cao năng lực số cho người học, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Dự kiến các Đề án và khung năng lực số này sẽ được triển khai ngay từ năm 2025, ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
QUỲNH NGUYỄN
Theo https://nhandan.vn/thuc-day-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-dai-hoc-post850...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận