Tuyển sinh lớp 10: Nhân đôi điểm môn văn, toán có còn phù hợp?
Nhiều ý kiến cho rằng việc nhân hệ số 2 môn văn, toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là cách làm cũ, không còn phù hợp, dẫn đến tâm lý "môn chính, môn phụ", thiếu công bằng...
UBND TP Hà Nội vừa công bố 3 môn thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024 gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Đây cũng là phương án tuyển sinh lớp 10 được nhiều địa phương khác lựa chọn, trong đó hầu hết các địa phương đều quy định điểm số môn ngữ văn, toán nhân hệ số 2, môn ngoại ngữ hệ số 1.
Cách tính điểm này đang nhận được nhiều quan điểm trái chiều, trong đó nhiều ý kiến cho rằng đây là cách tính điểm cũ không còn phù hợp với chương trình GDPT mới.
Phụ huynh Nguyễn Phương Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) ủng hộ việc Hà Nội nói riêng và nhiều địa phương khác nói chung tuyển sinh lớp 10 bằng 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Tuy nhiên, chị Linh cho rằng, Ngoại ngữ là môn học rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập, việc chỉ nhân hệ số 2 điểm thi môn ngữ văn, toán sẽ kiến học sinh có tâm lý môn chính môn phụ, hoặc đầu tư vào các môn được nhân đôi điểm nhiều hơn, dẫn đến tình trạng học lệch.
Phụ huynh Phạm Hà Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho rằng, môn ngoại ngữ là phương tiện cần thiết để học sinh hội nhập, làm việc trong tương lai, bởi vậy cần có cách tính điểm ngang bằng với 2 môn ngữ văn, toán để khuyến khích học sinh tăng cường học tập.
TS Đỗ Viết Tuân Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, việc nhân hệ số 2 điểm thi môn ngữ văn, toán trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại nhiều địa phương có những điểm hợp lý riêng. Điều này có thể xuất phát từ việc số tiết học của 2 môn này trong chương trình phổ thông nhiều hơn các môn khác. Bên cạnh đó, ở Hà Nội hay các tỉnh thành khác, học sinh ở khu vực trung tâm, thành phố sẽ có điều kiện học Ngoại ngữ tốt hơn, trong khi đó, nhiều học sinh ở khu vực ngoại thành, nông thôn lại gặp hạn chế về điều kiện học môn này. Do đó việc nhân đôi điểm thi môn ngữ văn, toán nhằm đảm bảo công bằng cho thí sinh ở các khu vực tuyển sinh khác nhau.
Song ở góc độ khác, TS Đỗ Viết Tuân cũng thừa nhận rằng, việc nhân đôi điểm ngữ văn, toán cũng sẽ nảy sinh tình trạng học sinh chạy đua học tập, học thêm các môn này nhiều hơn các môn còn lại, dẫn đến tình trạng học lệch, hay những thí sinh học tốt môn thứ 3 sẽ thiệt thòi hơn.
TS Đỗ Viết Tuân dự báo, trong những năm tới, khi chương trình GDPT 2018 áp dụng đến lớp 9 với cách kiểm tra đánh giá mới, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại các địa phương có thể sẽ thay đổi lớn. “Tương tự như xét tuyển đại học hiện nay, nhiều trường đã không còn xét dựa vào các tổ hợp môn thi thông thường, thay vào đó là các bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để đánh giá toàn diện người học. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 những năm tới cũng sẽ cần thay đổi để tạo ra sự bình đẳng giữa các môn học", TS Tuân nhận định.
Còn theo thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), việc nhân hệ số 2 điểm thi môn ngữ văn, toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại nhiều địa phương hiện nay là kết quả của quan niệm, cách đánh giá cũ, trong đó, 2 môn toán, ngữ văn vẫn được cho là những môn quan trọng, cần thiết, nên hệ số điểm cao hơn. Cũng bởi vậy, lâu nay, nhiều học sinh, phụ huynh và cả giáo viên vẫn có tâm lý coi đây là 2 môn chính, các môn còn lại là môn phụ.
Thầy Bình cho rằng, đây là quan niệm không phù hợp, cần xóa bỏ, tiến tới việc đánh giá các môn công bằng như nhau để học sinh phát triển một cách toàn diện nhất.
“Khi thực hiện chương trình GDPT mới, tôi cho rằng các nhà quản lý giáo dục cũng cần xem xét lại hình thức kiểm tra đánh giá, cách tính điểm sao cho phù hợp. Cấp THCS là chương trình giáo dục cơ bản, quan điểm của tôi là các môn đều như nhau.
Trong mùa tuyển sinh năm nay, chúng ta không nên thay đổi về cách tính điểm để ổn định tâm lý cho học sinh. Tuy nhiên cũng cần nghiên cứu, tính toán để đưa ra phương án tuyển sinh vào 10 những năm sau thực sự khoa học, đánh giá được năng lực của học sinh, giúp cho việc tuyển sinh vào 10 được chính xác nhất, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới”, thầy Bình nêu quan điểm./.
Nguyễn Trang/VOV.VN
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận