Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Bộ GD-ĐT về những vấn đề vướng mắc của ngành
Chiều 15/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) để đánh giá những thành tựu và xác định những vấn đề vướng mắc cần quan tâm giải quyết.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, ngành giáo dục đã đạt được những thành tựu, kết quả hết sức thuyết phục, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, ngành giáo dục cũng đối mặt với không ít tồn tại, vướng mắc sau đại dịch COVID-19, cũng như trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; chưa đáp ứng được mong muốn, mục tiêu đặt ra của Đảng, Nhà nước cũng như kỳ vọng của người dân và xã hội.
Để có được sản phẩm giáo dục, đào tạo giá trị, Phó Thủ tướng cho rằng hoạt động giáo dục, đào tạo cần gắn kết với dự báo nhu cầu xã hội, thị trường lao động; kết hợp hiệu quả nguồn lực Nhà nước đầu tư trọng tâm, trọng điểm với huy động nguồn lực xã hội.
Nhìn thẳng vào những vấn đề vướng mắc trong giáo dục
Báo cáo Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, giáo dục phổ thông tiếp tục được cải thiện theo hướng nâng cao chất lượng, giảm áp lực thành tích. Trong bảng xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021 (được công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020.
Tuy nhiên, giáo dục phổ thông tiếp tục phải đối mặt với trình trạng thừa, thiếu giáo viên; thiếu trường, lớp bậc mầm non, bậc phổ thông ở một số khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa; thiếu quỹ đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp.
Trong khi đó, giáo dục đại học, dù có những bước chuyển mạnh mẽ cả về chất và lượng, nhưng vẫn phát triển không đồng đều; tỷ lệ sinh viên/vạn dân, quy mô đào tạo sau đại học thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới; cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo chỉ mới được triển khai trong phạm vi hẹp; cơ chế huy động các nguồn lực xã hội còn gặp nhiều vướng mắc.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chia sẻ những khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu để bảo đảm điều kiện dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; giải pháp xã hội hoá giáo dục trong trường phổ thông ở những khu vực có điều kiện kinh tế phát triển; khuyến khích đầu tư tư nhân cho cơ sở vật chất trong trường đại học; thí điểm phổ cập mầm non cho trẻ 3-4 tuổi; phương án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025…
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, ngành giáo dục đang trong quá trình đổi mới, cải cách và chuyển đổi toàn diện, song vẫn còn nhiều công việc dang dở và đang tiếp tục được triển khai, để xứng đáng là “quốc sách hàng đầu”, là tương lai của đất nước.
“Nhận thức được đầy đủ trách nhiệm và sứ mệnh đó, toàn ngành giáo dục đã ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn, từng bước đổi mới và vươn lên. Nhưng do đây là một thời kỳ chuyển đổi, với khối lượng công việc nhiều, thách thức nhiều, vấn đề đặt ra nhiều, ý kiến dư luận nhiều... nên rất nhiều chính sách đã và đang phải tiếp tục ban hành, nhiều khó khăn thách thức tiếp tục được tháo gỡ”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói.
Tiếp tục đổi mới giáo dục
Chia sẻ khó khăn, vướng mắc của ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, mặc dù đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hơn 24,5 triệu học sinh, sinh viên, hơn 1,5 triệu cán bộ, giáo viên nhưng ngành giáo dục vẫn nỗ lực để tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng, có nhiều cách làm sáng tạo giúp quá trình chuyển đổi số thực hiện nhanh hơn, kịp thời hơn.
“Ngành giáo dục luôn có tinh thần đổi mới sáng tạo, dẫn dắt đổi mới sáng tạo, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Mười năm qua, ngành giáo dục đã thực hiện mục tiêu hết sức quan trọng trong đổi mới nền giáo dục nước nhà, chuyển hướng giáo dục từ nặng về truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học theo đúng xu thế thế giới”, Phó Thủ tướng nói.
Trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT phải tổng kết, rút ra những vướng mắc, tồn tại liên quan đến chất lượng đội ngũ giáo viên, chi ngân sách cho giáo dục, chính sách đối với cơ sở giáo dục công lập và tư nhân, phát huy hiệu quả các nguồn lực hiện có…nhất là bảo đảm liên thông trong hệ thống giáo dục; sự ổn định, công khai, minh bạch, chống độc quyền trong thực hiện “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”.
Dành thời gian trao đổi sâu về giáo dục đại học, Phó Thủ tướng cho rằng các trường đại học của Việt Nam đã có bước tiến dài về chất lượng đào tạo (thể hiện qua xếp hạng của các tổ chức quốc tế), thực hiện tự chủ, nghiên cứu khoa học, ươm mầm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thương mại hoá kết quả nghiên cứu…
Đáng chú ý, Bộ GD-ĐT đã nhìn nhận được những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách của giáo dục đại học nhằm khơi thông được các nguồn lực; bảo đảm công bằng giữa công lập và khu vực tư nhân; minh bạch chi phí đào tạo theo hướng tính đúng, tính đủ; phân loại, xác định các lĩnh vực nhà nước cần ưu tiên; định hướng phát triển đào tạo sau đại học; đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các trường đại học, chuẩn hoá tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục đại học…
“Với ngân sách, nguồn lực hiện có mà vẫn nâng được quy mô, chất lượng đào tạo đại học, đáp ứng được nhu cầu thị trường là bài toán đặt ra cho ngành giáo dục”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và đề nghị Bộ GD-ĐT làm tốt hơn nữa công tác kiểm định chất lượng đào tạo, xây dựng các tiêu chí cụ thể quốc gia và theo xu hướng quốc tế; giám sát chất lượng sinh viên tốt nghiệp; cùng với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để dự báo chính xác nhu cầu nhân lực, từ đó, đưa ra định hướng đào tạo phù hợp cho các cơ sở giáo dục đại học, người học.
Về nguồn lực phát triển giáo dục tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Phó Thủ tướng cho rằng cần triển khai đồng bộ với chính sách phát triển hạ tầng, “điện, đường, trường, trạm”, quy hoạch lại các khu dân cư; đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục ở những khu vực có hạ tầng thuận lợi, kinh tế phát triển để dành nguồn lực cho khu vực còn khó khăn.
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng đã trao đổi về một số kiến nghị của Bộ GD-ĐT về: Chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đưa các dự án, nhiệm vụ liên quan đến ngành giáo dục vào nhóm ưu tiên hàng đầu trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và 2021 - 2030; đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các trường đại học; cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư và tài trợ cho giáo dục đại học, xã hội hoá giáo dục đại học, bao gồm cả thực hiện cơ chế hợp tác công-tư; hoàn thiện các chính sách về vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục…/.
Thiên Bình/VOV.VN
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận