Bộ GD-ĐT đề xuất giải pháp đổi mới trong kiểm tra, đánh giá giáo dục phổ thông
Sáng 13/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026 chủ trì phiên họp Hội đồng đầu tiên sau kiện toàn, với nội dung về kiểm tra, đánh giá trong giáo dục phổ thông.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện việc kiểm tra, đánh giá trong giáo dục phổ thông được xem là nguồn cung cấp các chỉ số về học tập và tuân theo trình tự: người dạy thực hiện việc giảng dạy, kiểm tra kiến thức người học và tiến hành đánh giá kết quả của người học và dựa trên kết quả kiểm tra đó để làm cơ sở cho các hoạt động tiếp theo.
Tuy nhiên, gần đây, cách tiếp cận này được nhận định là không phù hợp, bởi kiểm tra, đánh giá không chỉ dừng lại ở việc thu thập và phân tích dữ liệu về kết quả học tập, mà còn thực hiện chức năng, nhiệm vụ cao hơn với mục đích cuối cùng là sự tiến bộ không ngừng của đối tượng người học. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất 7 giải pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá, trong đó xây dựng và ban hành quy định về chuẩn đánh giá theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tăng cường đánh giá năng lực thực hành, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề, tình huống thực tiễn. Đổi mới nội dung và hình thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông bảo đảm đồng bộ với việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ xã hội, người dân luôn rất quan tâm đến thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, đây chỉ là một khâu trong quá trình đánh giá học sinh từ mẫu giáo, lớp 1 đến lớp 12. Phó Thủ tướng đề nghị cần lựa chọn, bàn sâu từng chuyên đề cho từng phiên họp của Hội đồng, nhằm phát huy hiệu quả, thực chất vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học về giáo dục thông qua các tổ tư vấn, nhóm chuyên gia có cả các thành viên Hội đồng nhiệm kỳ mới và nhiệm kỳ cũ. Hội đồng có trách nhiệm kết nối các hội chuyên ngành, cơ quan chuyên môn để thống nhất những định hướng lớn trong giáo dục.
“Chúng ta cần xây dựng chương trình làm việc của Hội đồng trong cả nhiệm kỳ theo các nhóm vấn đề, có thể bổ sung, điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong quá trình triển khai, định hình những nét lớn, bảo đảm tính liên tục trong hàng năm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng cho rằng đối với kiểm tra, đánh giá học sinh phổ thông cần dựa trên khung chuẩn năng lực thống nhất, liên thông đối với từng lứa tuổi, cấp học bằng cả kiến thức và kỹ năng; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quá trình đánh giá…
Ông Dương Qúy Sỹ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng nêu ý kiến: “Đối với kiểm tra, đánh giá, thứ nhất là phải dựa trên khung chuẩn, yêu cầu chuẩn theo từng cấp học, bậc học. Chúng tôi thấy là trong suốt quá trình nhiều năm nay chúng ta cứ đổi mới nhưng chúng ta không dựa vào cái chuẩn theo lứa tuổi. Như vậy liên quan tới một cái chuẩn về giáo dục của UNESCO đó là liên quan đến năng lực mà người học đạt được. Do vậy, học sinh, sinh viên chúng ta đào tạo ra về năng lực, kỹ năng thấp hơn so với khu vực. Do vậy, về hiệu quả đầu ra, sản phẩm lao động thấp hơn”.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đánh giá cần huy động sự tham gia nhiều hơn của các bên liên quan như phụ huynh, cộng đồng cùng với giáo viên và học sinh, đặc biệt là cần tạo không gian cho nhà trường, giáo viên sáng tạo về các biện pháp thực hiện.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026 khẳng định, các vấn đề về kiểm tra, đánh giá đối với bậc phổ thông luôn được xã hội, người dân quan tâm. Trong nhiệm kỳ 2022-2026, Hội đồng cần đánh giá lại các vấn đề của giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đối với giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá là cần thiết và phải kiên trì làm từng bước, phù hợp với điều kiện thực tế: “Chúng ta phải nhìn vào nguyên tắc đổi mới giáo dục là một quá trình liên tục và nhất thiết phải phù hợp với xu thế của thế giới, có tính đến điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa đặc biệt của Việt Nam. Về mặt tư tưởng và phương hướng chúng ta phải rõ và từng bước đi phải kiên trì. Còn có những thứ chúng ta phải chấp nhận điều chỉnh tiến độ, điều chỉnh cách làm nhưng đích cuối cùng không thay đổi”./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận