Hầm Hải Vân tăng phí kịch khung: Huế kiến nghị Bộ GTVT lùi thời gian thu
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có công văn gửi Bộ GTVT kiến nghị dời thời gian thu phí theo mức giá tối đa tại hầm Hải Vân đến ngày 1/6.
Ngày 30/4, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận, UBND tỉnh này có công văn gửi Bộ GTVT đề xuất việc lùi thời gian thu phí tại hầm Hải Vân theo khung giá mới đến ngày 1/6. Văn bản được gửi ngày 24/4 và Bộ GTVT xác nhận đã nhận được.
Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tiết lộ lý do địa phương kiến nghị Bộ GTVT dời thời gian thu phí tại hầm Hải Vân theo khung giá mới: "Kinh tế đang trong quá trình phục hồi, cần có lộ trình tăng phí hợp lý".
Trước đó, Bộ GTVT chấp thuận thu phí hầm đường bộ Hải Vân tại trạm thu phí Bắc Hải Vân ở mức tối đa theo lộ trình trong hợp đồng kể từ ngày 1/5.
Cụ thể, xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt chở khách công cộng có giá vé lượt từ 70.000 đồng tăng lên 110.000 đồng, vé tháng từ 2,1 triệu đồng lên 3,3 triệu đồng, vé quý từ 5,67 triệu đồng lên 8,91 triệu đồng.
Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn có giá vé tăng từ 90.000 đồng lên 160.000 đồng/lượt, từ 2,7 triệu đồng lên 4,8 triệu đồng/tháng, từ 7,29 triệu đồng lên 12,96 triệu đồng/quý.
Giá vé xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn tăng từ 140.000 đồng lên 200.000 đồng/lượt, từ 4,2 triệu đồng lên 6 triệu đồng/tháng, từ 11,34 triệu đồng lên 16,2 triệu đồng/quý.
Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở container 40 feet có giá vé tăng từ 240.000 đồng lên 280.000 đồng/lượt, từ 7,2 triệu đồng lên 8,4 triệu đồng/tháng, từ 19,44 triệu đồng lên 22,680 triệu đồng/quý.
Mức tăng trên là mức cao nhất trong khung giá tối đa cho dịch vụ hầm đường bộ được quy định trong Thông tư số 60/2018/TT-BGTVT.
Trả lời VTC News về mức điều chỉnh tăng giá vé hầm đường bộ Hải Vân ở mức kịch khung, ông Nguyễn Quang Huy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho biết, lần điều chỉnh giá này được nhà đầu tư tính toán kỹ, phù hợp với hợp đồng và phương án tài chính được phê duyệt. Theo ông Huy, Đèo Cả cũng là doanh nghiệp tư nhân, phải vay vốn của ngân hàng nên phải chịu áp lực rất lớn.
“Áp lực từ các tổ chức tín dụng mà chúng tôi phải chịu rất lớn. Bên cạnh đó, một số vướng mắc kéo dài nhiều năm nay không được giải quyết, nên chậm thực hiện lộ trình điều chỉnh phí theo hợp đồng đã ký với Bộ Giao thông Vận tải là sai phạm của chúng tôi đối với đơn vị tín dụng đã tài trợ vốn. Chúng tôi không có quyền và giải pháp nào khác là phải thực hiện điều chỉnh giá”, ông Huy cho biết.
So sánh với mức giá của các trạm thu phí khác, ông Huy cho rằng, mức đầu tư của dự án hầm đường bộ cao hơn rất nhiều so với đường bộ hoặc cao tốc. Nếu mức đầu tư cao tốc vào khoảng 129 tỷ đồng/km thì chi phí làm hầm đường bộ là gần 1.000 tỷ đồng. Do vậy, mức phí sẽ phải cao hơn và Bộ GTVT thông qua Thông tư 60/TT-BGTVT vào năm 2018.
Về tỷ trọng tăng giá, trước khi thực hiện, nhà đầu tư đã tính toán chi phí vận hành. Với các chi phí về nhiên liệu, hao mòn phương tiện, sức khỏe và độ an toàn thì số tiền người dân, doanh nghiệp vận tải bỏ ra khi qua hầm vẫn rẻ hơn nhiều so với qua đèo.
Ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết, việc tăng giá giúp chủ đầu tư có kinh phí vận hành hầm Hải Vân 2 mới đưa vào hoạt động, do đó ông mong người dân, doanh nghiệp chia sẻ.
“Khi đưa vào vận hành hầm, chúng tôi không đủ kinh phí để vận hành sau khi đã trả lãi ngân hàng. Chúng tôi đã tạm gác những khó khăn đó để đưa hầm Hải Vân 2 này vào vận hành, đó cũng là sự chia sẻ của chúng tôi. Trong bối cảnh vô vàn khó khăn mà Nhà nước chưa giải quyết như vậy, mong người dân chia sẻ một phần với chúng tôi”, ông Thế nói.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận