Sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng
Mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, song với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, cùng với đà tăng trưởng từ cuối năm 2023 nên sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh và trên diện rộng, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 11 và 11 tháng năm 2024, trong tháng 11, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất chuẩn bị hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm nên sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, thể hiện qua chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 tiếp tục ghi nhận tăng trưởng, đạt ngưỡng trên 50 điểm (50,8 điểm) cho thấy sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi sau tác động nghiêm trọng của cơn bão số 3 vào tháng 9; sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới duy trì đà tăng theo thông lệ cuối năm mặc dù tốc độ chậm lại so với tháng trước.
Cụ thể, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 11-2024 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%.
Tính chung 11 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh và trên diện rộng (tăng ở 60/63 địa phương), là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng khi IIP ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,2%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện, ngành khai khoáng tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 11 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Ô tô tăng 22,4%; thép thanh, thép góc tăng 21,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên, xăng dầu, đường kính, thép cán, phân hỗn hợp NPK, sữa bột, thủy hải sản chế biến và điện sản xuất tăng trên 10%...
ANH NGỌC
Theo https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/san-xuat-cong-nghiep-tiep-tuc-la-don...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận