Đại hội bất thành, Eximbank ghi tiếp “kỷ lục” chưa từng có!
Sáng 26/4, tại Hà Nội, đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 lần thứ 3 của Eximbank (EIB) lại bất thành do gần 55% cổ đông không thông qua quy chế đại hội.
EIB ghi tiếp “kỷ lục” từ năm 2019 đến nay là ngân hàng duy nhất chưa tổ chức được đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) cả thường niên lẫn bất thường.
“Chuẩn bị kỹ”, vẫn bất thành!
Đây là lần thứ 3 ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 được tổ chức do 2 đại hội trong năm 2020 đều bất thành vì không đủ tỉ lệ cổ đông tham dự.
Theo điều lệ của EIB, đại hội lần 3 sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào số cổ đông hay đại diện ủy quyền tham dự và được coi là hợp lệ, có quyền quyết định tất cả các vấn đề mà ĐHĐCĐ lần thứ nhất có thể phê chuẩn.
EIB có Trụ sở tại TP HCM, việc tổ chức tại Hà Nội từng được đại diện EIB giải thích là để tránh hiểm họa covid19 do Tp HCM hạn chế tụ họp đông người, đồng thời, gần NHNN để đảm bảo sự giám sát sau nhiều lần đại hội bất thành.
Danh sách đề cử HĐQT và Ban kiểm soát được NHNN phê chuẩn để đại hội bầu nhiệm kỳ mới cho đến khi đại hội diễn ra vẫn chưa được công bố. “Bí mật” này được cho là một đảm bảo cho sự thành công của đại hội.
Ngày 20/4/2021, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) có Quyết định 168/QĐ-TTGSNH8 phân công nhiệm vụ trong Ban lãnh đạo. Theo đó, Phó Chánh TTGSNH Trần Đăng Phi (người ký Kết luận Thanh tra số 4661/KL-TTGSNH2 (KLTT), ngày 18/12/2020, về việc, thanh tra pháp nhân EIB) chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của các tổ chức tín dụng cổ phần thuộc trách nhiệm của Cục TTGSNH II đến hết tháng 4/20121, sau đó, Phó Chánh TTGSNH Nguyễn Anh Tuấn chỉ đạo xử lý tiếp những việc phát sinh.
Tại đại hội sáng nay, Phó Chánh TTGSNH Trần Đăng Phi đã trực tiếp tham gia và giám sát với tư cách đại diện NHNN.
Tuy nhiên, kịch tính lại xuất hiện như từng xuất hiện tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 lần thứ 3 vào ngày 21/6/2019. Đại hội này có 199 cổ đông tham dự chiếm 93,86% cổ phần biểu quyết, nhưng lại bất thành. Như một cổ đông đã phát biểu, “đại hội như một cái chợ”, kết quả là quá nửa cổ đông không đồng ý thông qua qui chế đại hội.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần thứ 3 này cũng vậy. Đến 9h30, 96 cổ đông tham dự chiếm tỉ lệ tới 94,51% vốn điều lệ EIB. Trưởng ban kiểm soát Trần Ngọc Dũng tuyên bố cuộc họp đủ điều kiện tiến hành.
Lập tức tranh cãi nổ ra. Nhiều cổ đông nêu nghi ngờ về tỷ lệ “đột biến” cổ đông. “Tôi đã tham dự đại hội của EIB nhiều năm, mấy năm trước tỷ lệ thấp, năm nay tăng cao đột biến nhưng số lượng người tham dự không đông và địa điểm tổ chức lại ở Hà Nội chứ không phải TP.HCM. Tôi nghi ngờ về tỷ lệ. Chúng tôi đề nghị được kiểm tra biên bản thẩm tra tư cách cổ đông?” – Một cổ đông phát biểu.
Trưởng ban kiểm soát Trần Ngọc Dũng đã trả lời: Số lượng cổ đông tham dự ít nhưng đại hội nhận được ủy quyền của nhiều cổ đông nên đạt tỉ lệ túc số như trên. Đề nghị đại hội tiến hành bình thường, sau đó kiểm tra sau.
Đến 10h15, Ban Tổ chức mới nhận được danh sách đề cử bầu thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ tới được NHNN chuẩn y. EIB phải cập nhật lại danh sách phiếu bầu để tiếp tục đại hội.
Sau 45 phút đại hội bắt đầu, cổ đông quay lại phòng kiểm tra tư cách cổ đông để lấy phiếu biểu quyết.
Đến 10h40, Trưởng ban kiểm soát lấy ý kiến cổ đông về quy chế họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Kết quả: 54,69% không đồng ý.
Theo đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần thứ 3 của EIB đã chấm dứt ngay khi chưa có chủ tọa đoàn.
Cổ đông kiến nghị miễn nhiệm hàng loạt thành viên HĐQT
Cụ thể, ngày 19/4, HĐQT EIB nhận được văn bản kiến nghị đưa vào chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần thứ 3 của bà Kiều Vũ Thụy Uyên, đại diện theo ủy quyền của nhóm cổ đông gồm: Công ty CP Rồng Ngọc, Công ty CP đầu tư và dịch vụ Helios, Công ty CP Thắng Phương, Thái Thị Mỹ Sang, Lưu Như Trân.
Nhóm cổ đông này sở hữu 10,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại EIB đề nghị miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2015-2020) gồm: ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng. Đây là 5/6 ông từng bị NHNN ra 6 quyết định xử phạt hành chính về hành vi “tổ chức hoặc không tổ chức ĐHĐCĐ theo đúng qui định” vào ngày 5/12/2019, vì liên tục vi phạm quyền của cổ đông chiến lược SMBC - cổ đông lớn nhất, nắm giữ 15% vốn điều lệ tại EIB từ năm 2008. Cổ đông này đã kiên trì kiến nghị, khi thì đưa vào chường trình đại hội thường niên, khi đề nghị tổ chức đại hội bất thường, để cổ đông xem xét quyết định 3 vấn đề: Việc từ nhiệm của ông Yasuhiro Saitoh (người mà SBMC cách đây gần 2 năm đã bãi nhiệm tư cách đại diện); Những nhận định và giải pháp khắc phục các vấn đề tồn tại của EIB và HĐQT; Xem xét qui mô HĐQT từ 10 xuống 5-7 thành viên để đảm bảo tiết kiệm chi phí và hiệu quả hoạt động của HĐQT, bỏ phiếu tín nhiệm từng thành viên HĐQT.
Ngày 20/4, HĐQT EIB tiếp tục nhận được văn bản kiến nghị của nhóm cổ đông gồm: ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Trần Công Cận, Lafelle Limited, Education Management Holdings Limited. Nhóm cổ đông này sở hữu 11,2% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, đề nghị EIB miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT, gồm: ông Hoàng Tuấn Khải, ông Đặng Anh Mai, bà Lương Thị Cẩm Tú.
Như vậy, HĐQT EIB gồm 9 thành viên, duy nhất chỉ còn 1 người là không bị 2 nhóm cổ đông trên đề nghị miễn nhiệm. Tuy nhiên, với cổ đông chiến lược SMBC thì chưa hẳn ông này đã được tín nhiệm khi cổ đông này kiên trì kiến nghị theo nhận định, đánh giá của Ủy ban chỉ đạo độc lập. SMBC cũng có văn bản đưa kiến nghị của mình vào chường trình đại hội lần này, nhưng bị từ chối vì lý do kiến nghị không đến trước “3 ngày làm việc” diễn ra đại hội.
Chuyện gì đang xảy ra ở EIB? Câu hỏi tiếp tục “nóng” lên khi ngày mai EIB tiếp tục ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 với kết quả thành công có thể nói là mong manh như sợi tóc.
Cần nhắc lại rằng, năm 2019, sau khi NHNN tiến hành thanh tra pháp nhân EIB, dư luận đã mong chờ KLTT sẽ gỡ “nút thắt” tại EIB. Rồi khi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo NHNN phải khẩn trương ban hành KLTT trong tháng 11/2020, hy vọng đó lại tăng lên.
Tuy nhiên, sau khi KLTT được ban hành vào ngày 18/12/2020, tình hình EIB tiếp tục mất ổn định và kéo dài cho đến tận đại hội này.
Cùng với câu hỏi “nóng”, đã đến lúc, câu hỏi trách nhiệm cần được đặt ra một cách nghiêm túc trước thực trạng bất bình thường kéo quá dài tại một ngân hàng đang có trên 130 ngàn tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của người dân./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận