Bước ngoặt mới trên chính trường nước Anh
Nước Anh đã bầu ra được Thủ tướng mới, đó là ông Boris Johnson sau cuộc bỏ phiếu của Đảng Bảo thủ ngày 22/7.
Dự kiến, trong ngày hôm nay (24/7), tân Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ chính thức nhậm chức, thay thế bà Theresa May. Trở thành thủ tướng, ông Boris Johnson sẽ “thừa hưởng” một cuộc khủng hoảng về chính trị ở Anh liên quan tới tiến trình Brexit.
Hiện tại, thời hạn cho Anh rời khỏi EU được ấn định vào ngày 31/10. Ông Johnson sẽ phải thuyết phục EU hồi sinh các cuộc đàm phán về việc Anh rút khỏi khối cũng như tìm tiếng nói chung giữa đôi bên để tránh việc Anh rời đi mà không có bất cứ thỏa thuận nào.
Chiều 24/7, ông Boris Johnson sẽ tiếp kiến Nữ hoàng Anh và chính thức nhậm chức Thủ tướng Anh, thay bà Theresa May. Nhìn chung, việc ông Boris Johnson trở thành Thủ tướng mới của Anh đã được dự đoán từ trước nên không có các phản ứng thái quá hay xáo trộn gì lớn trên chính trường cũng như dân chúng Anh.
Về tổng thể, việc ông Boris Johnson làm Thủ tướng Anh được đón nhận với nhiều hoài nghi, một phần là do cá tính nhiều tranh cãi của ông Boris Johnson từ khi làm Thị trưởng London rồi làm Ngoại trưởng Anh, phần khác là do ông Boris Johnson mặc dù luôn tỏ thái độ rất cứng rắn về Brexit nhưng cho đến nay thì thái độ này lại không đi kèm với các kế hoạch thực sự rõ ràng và cụ thể. Đa số mới chỉ được chứng kiến ông Boris Johnson đưa ra các phát ngôn rất gây tranh cãi trong suốt thời gian qua nhưng chưa ai thực sự chắc chắn được là ông sẽ làm gì khi giữ ghế Thủ tướng Anh và đối mặt với các lãnh đạo EU.
Qua những gì truyền thông Anh phản ánh thì chính giới và dư luận Anh đánh giá ông Boris Johnson đã hoàn thành được tham vọng cá nhân là lên làm Thủ tướng Anh. Sở dĩ có đánh giá này là vì suốt hơn 3 năm qua, ông Johnson luôn là người ở vị trí chống đối mạnh nhất với Thủ tướng Anh Theresa May, kể cả khi ông này làm Ngoại trưởng trong chính phủ của bà May.
Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi về thành công của ông Boris Johnson bởi trong 3 năm qua, nước Anh đã có 1 Thủ tướng nổi tiếng về tinh thần kỷ luật và cần mẫn là bà Theresa May nhưng cũng không thể có nổi một thoả thuận Brexit tốt nhất cho nước Anh nên ít người tin là một nhân vật có tính cách khó đoán, thậm chí bốc đồng, như ông Boris Johnson có thể tạo nên một đột phá tích cực với tiến trình Brexit chỉ trong vòng 3 tháng.
Tiến trình đưa ông Boris Johnson lên làm Thủ tướng Anh đã phơi bày rất rõ các mâu thuẫn và rạn nứt sâu sắc trên chính trường Anh trong thời gian qua. Trước hết, là mâu thuẫn trong chính nội bộ đảng Bảo thủ. Con số 66% cử tri đảng Bảo thủ ủng hộ ông Boris Johnson so với 34% ủng hộ ông Jeremy Hunt có thể khiến nhiều người lầm tưởng rằng đảng Bảo thủ là một khối đoàn kết đứng sau ông Boris Johnson.
Vì thế, nhiệm vụ lớn đầu tiên của ông Boris Johnson trên ghế Thủ tướng là phải hàn gắn chính nội bộ Đảng Bảo thủ, giữa hai phe mang quan điểm khác nhau về Brexit. Hiện tại, nhóm nghị sĩ đảng Bảo thủ chống đối ông Johnson trong Nghị viện Anh, hạt nhân là 42 người, vẫn tỏ thái độ rất cứng rắn với ông Johnson và sẵn sàng kích hoạt việc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của ông Johnson nếu ông này không từ bỏ ý định Brexit không thoả thuận. Nếu không hàn gắn được nhóm này, ông Johnson sẽ không có một đa số ủng hộ đủ mạnh trong Nghị viện và sẽ rất khó điều hành chính phủ.
Bên cạnh đó, Đảng Bảo thủ và Công đảng đối lập sẽ quan sát rất kỹ việc ông Johnson sẽ thành lập một nội các ra sao, đưa các nhân vật nào vào các vị trí Bộ trưởng chủ chốt. Việc này gây chú ý không chỉ bởi tính chất quan trọng mà còn vì khía cạnh cá nhân của ông Boris Johnson khi các đối thủ của ông, nhất là Công đảng đối lập, từ lâu nay luôn công kích ông Johnson là có phong cách lãnh đạo cá nhân và tư lợi.
Nhìn chung, cuộc bầu chọn lãnh đạo mới cho nước Anh không phải là một giải pháp thần kỳ có thể ngay lập tức giúp nước Anh thoát khỏi tình huống chính trị phức tạp nhất kể từ sau Thế chiến II đến nay. Ngược lại, với cá tính và phong cách gây tranh cãi, cộng thêm các quan điểm có phần cực đoan và mập mờ về Brexit của ông Boris Johnson, chính trường Anh những ngày tới còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng nổ xung đột hơn so với trước kia, đặc biệt khi mà Brexit đã đi đến giai đoạn khó có thể trì hoãn thêm và các bên cần phải đưa ra một quyết định dứt khoát.
Ông Boris Johnson được bầu lên thay bà Theresa May vì bà May đã thất bại trong việc mang về cho nước Anh một thoả thuận Brexit được Nghị viện Anh chấp nhận. Vì thế, nhiệm vụ lớn nhất của ông Boris Johnson là Brexit, là làm cách nào đó để phía châu Âu chấp nhận một thoả thuận mới có lợi hơn. Đó là ưu tiên lớn nhất, và có thể là duy nhất của ông Boris Johnson bởi nếu thất bại, có khả năng ông Johnson cũng sẽ mất chức như bà May. Dù muốn hay không thì châu Âu vẫn phải là một đối tượng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông Boris Johnson, ít nhất trong giai đoạn trước mắt.
Ưu tiên tiếp theo đương nhiên sẽ là quan hệ với Mỹ. Trong gần 1 thế kỷ qua, Anh và Mỹ là đồng minh đặc biệt và hầu như tất cả các đời Thủ tướng Anh đều coi quan hệ với Mỹ là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của mình.
Từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, quan hệ này có phần kém nồng nhiệt hơn do nước Mỹ đang dần từ bỏ các cam kết với châu Âu còn bản thân ông Trump lại hay can thiệp và bình luận khá thô bạo vào công việc nội bộ của nước Anh, khiến quan hệ giữa ông Trump với chính phủ, cá nhân bà Theresa May và một bộ phận chính giới Anh không tốt. Tuy nhiên, ông Boris Johnson có thể thay đổi điều này vì ông Johnson có nhiều điểm tương đồng với ông Trump, được coi là một “Donald Trump phiên bản Anh” và có quan hệ cá nhân rất tốt với ông Trump. Vì thế, chắc chắn ông Boris Johnson sẽ ưu tiên quan hệ với Mỹ, nhất là khi ông Boris Johnson luôn coi việc ký kết một Hiệp định thương mại tự do với Mỹ là dự án có tính sống còn cho nước Anh thời kỳ hậu Brexit.
Đó là những ưu tiên chiến lược, tuy nhiên trên cương vị Thủ tướng Anh thì ông Johnson cũng sẽ phải giải quyết nhiều hồ sơ quốc tế quan trọng khác, đầu tiên và ngay lập tức là cuộc khủng hoảng với Iran./.
Theo; Quang Dũng/VOV-Paris
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận