Quân sự thế giới hôm nay (25-12): Máy bay chiến đấu F-22 Raptor sẽ thống trị trên không?
Quân sự thế giới hôm nay (25-12) có những nội dung sau: Máy bay chiến đấu F-22 Raptor sẽ thống trị trên không? Khinh hạm HMS Portland của Anh được trang bị tên lửa tấn công hải quân; Morocco mua bom đường kính nhỏ của Mỹ.
* Máy bay chiến đấu F-22 Raptor sẽ thống trị trên không?
F-22 Raptor - máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Mỹ được xem là một trong những nền tảng chiếm ưu thế trên không tiên tiến nhất trên thế giới. Kể từ khi ra mắt, F-22 không ngừng được nâng cấp để ứng phó với các mối đe dọa mới nổi.
Với tính năng tàng hình, khả năng bay hành trình siêu thanh, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và hỏa lực mạnh mẽ, F-22 vẫn sẽ duy trì sự thống trị trên không trong chiến tranh hiện đại.
Là sản phẩm của tập đoàn Lockheed Martin, cùng với sự hỗ trợ từ Boeing và General Dynamics, F-22 Raptor được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của Không quân Mỹ về một máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo có tính cơ động cao hơn và sức chiến đấu tốt hơn bất kỳ máy bay nào trên thế giới. Quá trình phát triển của F-22 được bắt đầu vào cuối những năm 1980 theo chương trình Máy bay chiến đấu chiến thuật tiên tiến (ATF) và máy bay đầu tiên đi vào hoạt động năm 2005. Mặc dù đã ngừng sản xuất vào năm 2009, F-22 vẫn là một mắt xích quan trọng trong cấu trúc lực lượng chiến đấu của Không quân Mỹ.
Sự kết hợp giữa tốc độ, khả năng tàng hình và hiệu quả chiến đấu của F-22 đã biến máy bay này trở thành một vũ khí vô giá trong những năm đầu phục vụ. Tuy nhiên, thiết kế của máy bay luôn hướng đến khả năng thích ứng. Các nhà thầu đã liên tục nâng cấp các hệ thống của F-22 để phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường chiến đấu.
Một trong những tính năng đáng chú ý nhất của F-22 là khả năng tàng hình. Máy bay được thiết kế với tiết diện phản xạ tín hiệu radar thấp, cho phép máy bay tránh bị phát hiện bởi các hệ thống radar của đối phương.
F-22 còn được trang bị các hệ thống cảm biến tiên tiến để thu thập thông tin tình báo theo thời gian thực, từ radar đến hệ thống tác chiến điện tử. Thông tin này được xử lý bởi các hệ thống máy tính trên máy bay, cho phép phi công đưa ra quyết định tốt nhất trong tích tắc khi đang chiến đấu.
Về hỏa lực, F-22 được trang bị tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 AMRAAM, cho phép máy bay tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa hơn và duy trì vị trí có lợi trong chiến đấu. Bên cạnh đó, máy bay còn được trang bị tên lửa AIM-9X SIDEWINDER, rất hiệu quả cao cho các nhiệm vụ chiến đấu tầm gần.
* Khinh hạm HMS Portland của Anh được trang bị tên lửa tấn công hải quân
Theo thông tin do Bộ Quốc phòng Anh công bố, HMS Portland, khinh hạm Type 23 đã trở thành tàu chiến thứ hai của Hải quân Hoàng gia được trang bị tên lửa tấn công hải quân (NSM), có khả năng vô hiệu hóa tàu đối phương trong phạm vi hơn 160km.
NSM sẽ thay thế hệ thống tên lửa Harpoon hiện đã ngừng hoạt động, mang lại nhiều ưu thế vượt trội trong tác chiến trên biển hiện đại. Được thiết kế với độ chính xác và khả năng sống sót cao, NSM di chuyển với tốc độ gần siêu thanh trong khi vẫn lướt trên mặt biển để tránh bị phát hiện, đảm bảo giao tranh hiệu quả với tàu đối phương ở tầm xa.
HMS Portland hiện đã sẵn sàng cho các đợt triển khai trong tương lai. Khinh hạm này sẽ trải qua giai đoạn bảo dưỡng theo kế hoạch trước khi nạp lại tên lửa để sử dụng vào năm 2025.
Việc đưa NSM vào sử dụng sẽ thu hẹp khoảng cách giữa hệ thống Harpoon đã ngừng hoạt động và vũ khí tấn công mặt nước trong tương lai hiện đang được phát triển. Tên lửa thế hệ tiếp theo này sẽ trở thành vũ khí chống hạm tầm xa hàng đầu của Hải quân Hoàng gia và sẽ được triển khai trên các tàu khu trục Type 26 tiên tiến hiện đang được chế tạo.
* Morocco mua bom đường kính nhỏ của Mỹ
Theo Army Recognition, Morocco đã ký hợp đồng ước tính trị giá 86 triệu USD để mua bom đường kính nhỏ GBU-39B (SDB-I) của Mỹ.
Hợp đồng này bao gồm 500 quả bom đường kính nhỏ GBU-39B, 2 quả bom trơ thực hành GBU-39 (T-1)/B được trang bị ngòi nổ cùng một loạt các thiết bị hỗ trợ, bao gồm đạn huấn luyện chiến thuật, thùng chứa, thiết bị thử nghiệm, phụ tùng thay thế và nhiều phụ kiện khác. Hợp đồng cũng bao gồm việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu, bao gồm đào tạo nhân sự, hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ hậu cần để tích hợp các công nghệ tiên tiến này vào lực lượng vũ trang của Morocco.
Việc mua lại bom GBU-39B sẽ giúp tăng cường đáng kể năng lực thực hiện các cuộc tấn công có độ chính xác cao của Morocco, đồng thời cải thiện hiệu quả hoạt động của nước này trước các mối đe dọa hiện tại và mới nổi. Thiết bị này cũng sẽ cải thiện khả năng tương tác giữa các lực lượng Morocco và Không quân Mỹ (USAF), do đó tăng cường hợp tác quân sự song phương. Với cơ sở hạ tầng quân sự hiện đại, Morocco đã sẵn sàng để tích hợp công nghệ mới này vào các hoạt động quân sự của quốc gia này.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
Theo https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-25...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận