Ung thư hoàn toàn có thể điều trị được nếu phát hiện sớm
Theo các chuyên gia y tế, với nhiều kỹ thuật và công nghệ hiện đại ngày nay, bệnh ung thư hoàn toàn có thể điều trị được nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, làm thế nào để người dân có thể tự tầm soát, phát hiện sớm để được điều trị bệnh kịp thời, các triệu chứng chính của bệnh ung thư là gì?
Tại buổi giao lưu “Sống chung, sống khỏe với bệnh ung thư” được tổ chức mới đây tại trường Đại học Y Hà Nội, TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, để có thể phát hiện sớm bệnh ung thư, người dân cần chú ý những điểm sau:
Thứ nhất, cần đi khám sức khoẻ định kỳ, 6 tháng hoặc 1 năm/lần hoặc khám sức khoẻ hàng tháng, để tầm soát ung thư và các bệnh nguy hiểm khác.
Thứ hai, cần tăng cường tầm soát ung thư đối với các đối tượng mắc các bệnh có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Điển hình là người mang virus viêm gan B...
Hiện nay, tại Việt Nam có tới 10-15% người mang virus viêm gan B có thể tiến triển thành ung thư gan và xơ gan. Chính vì vậy, người dân cần tăng cường tầm soát để kịp thời phát hiện các dấu hiệu mắc bệnh như: polyp đại tràng, dạ dày,…
Ngoài ra, đối với những người trong gia đình có người mắc ung thư vú thì nguy cơ mắc ung thư vú của những người này cao gấp 10 đến 20 lần so với cộng đồng. Hiện nay, nhiều cơ sở y tế đã có những xét nghiệm gen hiện đại để xác định ung thư, cảnh báo cho các đối tượng có nguy cơ mắc ung thư cao.
Thứ ba, người dân cần nâng cao ý thức tự khám bệnh, tự phát hiện bệnh. Điển hình là chương trình tự khám vú sau khi sạch kinh (tự khám trước gương, nằm khám,…) khi phát hiện các biểu hiện bất thường như nổi u, hạch… người dân cần đến các cơ sở y tế để kịp thời khám và điều trị.
Thứ tư, cần đặc biệt quan tâm đến các triệu chứng báo hiệu ung thư theo 10 khuyến cáo của Bộ Y tế. Nếu thấy có các triệu chứng như: xuất hiện các vết loét ở da, niêm mạc miệng, lưỡi, ho kéo dài, ho ra máu,… cần đến bệnh viện để kiểm tra.
Khi phát hiện các dấu hiệu như: Đau hạ sườn phải âm ỉ, khó tiêu, đầy bụng, đi ngoài ra máu,… cần phải cảnh giác với bệnh ung thư đại trực tràng.
Khi sờ thấy khối u bất thường ở ngực, ở vú,… cần đến các cơ sở y tế để tầm soát ung thư vú.
Khi bị ù tai, ho khạc ra máu,… cần cảnh giác với ung thư vòm họng.
Thấy có triệu chứng xuất huyết âm đạo bất thường cần đề phòng ung thư cổ tử cung.
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám khi ung thư đã ở giai đoạn muộn, tiêu tốn rất nhiều thời gian và chi phí để chữa trị.
Chính vì vậy, để phát hiện sớm ung thư và điều trị bệnh có hiệu quả, các chuyên gia y tế tiếp khuyến cáo người dân cần khám sức khoẻ định kỳ, tăng cường sàng lọc đối với đối tượng có nguy cơ, tự khám khi có biểu hiện bất thường…
Bệnh ung thư có di truyền không?
Cũng tại buổi giao lưu, PGS.TS Vũ Hồng Thăng, Phó Trưởng khoa điều trị nội, Bệnh viện K cho biết, có trường hợp mắc ung thư do di truyền nhưng số lượng này không nhiều, chủ yếu mắc ung thư là do yếu tố ngoại cảnh, điều này đã được khoa học chứng minh.
Một số loại ung thư có thể di truyền do đột biến gen, người bị đột biến có nguy cơ mắc cao hơn so với người không bị đột biến, tuy nhiên không phải cứ đột biến là mắc ung thư.
Chính vì vậy, PGS.TS Vũ Hồng Thăng khuyến cáo những người bị đột biến gen nên đến các trung tâm hoặc gặp chuyên gia tư vấn di truyền ung thư để có kế hoạch phòng bệnh cho bản thân và gia đình.
Cũng theo PGS.TS Vũ Hồng Thăng, một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư buồng trứng... trên thế giới ghi nhận khoảng 10% mắc do đột biến gen. Khi so sánh tỉ lệ giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, người Việt có tỉ lệ đột biến mắc ung thư trong nhóm thấp nhất thế giới. Đây là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, những gia đình có người thân đang mắc ung thư nên tiến hành các xét nghiệm xem có nguy cơ đột biến hay không, từ đó có biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Theo; Thúy Hà (Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận