Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù không đơn thuần là việc xin tiền và xin quyền
Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, động lực phát triển, trung tâm kinh tế-xã hội (KT-XH) của miền Trung -Tây Nguyên và cả nước. Để phát huy hơn nữa vai trò của TP Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Đáng chú ý, Đà Nẵng đề xuất nhiều chính sách đặc thù mới để tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư phát triển.
Thí điểm thành lập Khu thương mại tự do TP Đà Nẵng
Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, những kết quả đạt được đã khẳng định mô hình chính quyền đô thị phù hợp với các điều kiện và sự phát triển của thành phố.
Hiện nay, Đà Nẵng có hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội khá đồng bộ, phát triển, như sân bay quốc tế, cảng biển, hạ tầng đô thị, logistics, là trung tâm cung ứng dịch vụ y tế, giáo dục - đào tạo của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Đây là nền tảng, điều kiện thuận lợi tạo đà cho TP Đà Nẵng phát triển hiện tại và trong tương lai.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 còn chậm so với kế hoạch, một số cơ chế tuy đã được thực hiện nhưng hiệu quả thấp, một số cơ chế chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, việc xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển KT-XH, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên như Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị xác định.
Trên cơ sở các chính sách đã được Quốc hội ban hành và áp dụng tại Đà Nẵng thời gian qua, thành phố đề xuất 27 chính sách bao gồm 21 chính sách tương tự các địa phương; trong đó 11 chính sách tương tự hoàn toàn; 10 chính sách có điều chỉnh, bổ sung và 6 chính sách mới.
Các chính sách mới được Đà Nẵng đề xuất là: Thí điểm thành lập khu thương mại tự do TP Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; cho phép thực hiện thí điểm bổ sung dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật vào danh mục dự án thu hồi đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế tuyển dụng, tiền lương, tiền công, miễn, giảm thuế thu nhập, hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Bên cạnh đó, HĐND thành phố quyết định việc cho phép Đà Nẵng là địa bàn được thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) qua sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong quản lý và giao dịch tài sản số trên nền tảng DanangChain...; HĐND thành phố quyết định các chính sách hỗ trợ đầu tư đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phù hợp với các điều kiện cụ thể của Đà Nẵng...
Đối với nhóm chính sách tương tự các địa phương, TP Đà Nẵng đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tương tự Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Trong đó, có thể kể đến các cơ chế, chính sách về tài chính ngân sách; về điều chỉnh cục bộ quy hoạch; cơ chế, chính sách về miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ lương, tiền công chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt...
Chính sách đặc thù phải thu hút được nguồn lực trong xã hội
Trước những đề xuất của Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sự phát triển của Đà Nẵng không chỉ là sứ mệnh riêng của địa phương mà còn tạo sự lan tỏa và dẫn dắt kinh tế vùng miền Trung đi lên. Hiện nay, các định hướng, chủ trương về xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng đã rõ. Đó là vẫn phải tuân thủ, đồng bộ theo hệ thống pháp luật chung nhưng làm sao có cơ chế, chính sách riêng dành cho các địa phương để có thể khai thác được tiềm năng, thế mạnh nhằm giải phóng nguồn lực, từ đó tạo ra động lực, yếu tố mới cho phát triển nhanh, bứt phá.
“Việc đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù đừng bó cứng vào việc xin tiền và xin quyền. Quan trọng là làm sao tạo ra được động lực, thu hút được đầu tư, thu hút được các nguồn lực trong xã hội... để phát triển kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi mở, trước tiên Đà Nẵng cần có cơ chế, chính sách gì để hình thành được trung tâm tài chính mang tầm khu vực. Tiếp theo là công nghiệp bán dẫn-đây là xu hướng và cũng là cơ hội; phát triển hệ sinh thái kinh tế xung quanh cảng Liên Chiểu: “Để phát triển thành trung tâm thương mại tự do hay cảng trung chuyển lớn... chắc chắn sẽ cần những cơ chế, chính sách đặc thù; cùng với đó, câu hỏi đặt ra, phát triển cảng Liên Chiểu sẽ theo mô hình nào, làm gì để có thể tạo ra những giá trị lớn...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu câu hỏi.
Góp ý vào nhóm chính sách mới, đặc biệt là cơ chế tuyển dụng, tiền lương, tiền công, miễn, giảm thuế, hoạt động đầu tư công để hỗ trợ cho lĩnh vực bán dẫn vi mạch, chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo..., các đại biểu đều khẳng định, đây là chính sách cần thiết, song cần quy định cụ thể từng đối tượng, việc quy định chung chung dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, Bộ Ngoại giao ủng hộ cách tiếp cận của Đà Nẵng, tập trung vào xây dựng những chính sách rất đặc thù, tạo ra sự phát triển của thành phố; trong đó có chính sách thành lập khu thương mại tự do. Đây là mô hình rất mới nên cũng cần cụ thể hóa thêm các chính sách liên quan, chẳng hạn như visa, lao động...
KHÁNH AN
Theo https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xay-dung-co-che-chinh-sach-dac-th...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận