Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý thuế hộ kinh doanh
Công tác quản lý thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vẫn chưa đạt được yêu cầu đặt ra mặc dù còn nhiều dư địa. Do vậy, cần phải có giải pháp, phương thức quản lý thuế (sử dụng trí tuệ nhân tạo-AI, dữ liệu lớn-Big Data) phù hợp, hiệu quả, nhằm hạn chế tối đa tình trạng thất thu ngân sách.
Tăng cường hiệu quả quản lý thuế
Kinh tế tư nhân (KTTN) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế nước ta. Là một thành phần quan trọng của KTTN, các hộ kinh doanh cá thể vừa góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, vừa phát triển mạng lưới kinh doanh rộng lớn. Đây cũng là kênh phân phối và lưu thông hàng hóa quan trọng, giúp cân đối thương mại và phát triển kinh tế-xã hội. Chính vì vậy, Chính phủ và Bộ Tài chính luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện những giải pháp quản lý thuế minh bạch để thúc đẩy phát triển, hỗ trợ tối đa KTTN nói chung, các hộ kinh doanh nói riêng.
Theo ông Mai Sơn, Phó cục trưởng Cục Thuế: Thời gian qua, công tác quản lý hộ kinh doanh của ngành thuế đạt được những kết quả khả quan. Số thu từ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh năm 2024 đạt 25.953 tỷ đồng, bằng 120% số thu năm 2023. Cơ sở dữ liệu lớn được chú trọng xây dựng để phục vụ công tác quản lý thuế tốt hơn. “Tuy vậy, nhìn nhận trên thực tế, kết quả quản lý thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vẫn chưa đạt được yêu cầu của Đảng, Chính phủ là phải có chính sách đột phá đối với phương thức quản lý thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ để hạn chế tối đa thủ đoạn "lách luật" trốn thuế gây thất thu ngân sách nhà nước”, ông Mai Sơn bộc bạch.

Trong thời gian dài, hình thức “thuế khoán” được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nhằm khuyến khích, tạo điều kiện tối đa cho người dân hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ phát triển, làm giàu cho chính mình. Tuy nhiên, hiện hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử đang phát triển vượt trội hơn so với hoạt động sản xuất, kinh doanh truyền thống. Nhiều hộ kinh doanh đã chuyển đổi sang hình thức bán hàng trực tuyến, kinh doanh trên nền tảng số khiến việc xác định doanh thu bán hàng để làm cơ sở áp dụng mức thuế khoán không còn phù hợp, phản ánh thiếu chính xác. Điều này đặt ra cho cơ quan quản lý, trong đó có cơ quan thuế những thách thức không nhỏ bởi sự đa dạng và số đông của đối tượng tham gia.
Xử lý nghiêm các trường hợp không đăng ký kinh doanh
Để quản lý thuế hiệu quả đối với các hộ kinh doanh trên cơ sở dữ liệu lớn, nhiều chuyên gia đề xuất: Cơ quan thuế cần rà soát doanh thu mua vào so với doanh thu khoán; có sự phối hợp chặt chẽ với trung gian vận chuyển hàng hóa và tham chiếu doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ phụ trợ khác. Qua đó có thể quan sát được những yếu tố ẩn phía sau doanh thu thực để đưa ra giải pháp quản lý thuế cụ thể đến từng lĩnh vực kinh doanh, nhất là kinh doanh dịch vụ và kinh doanh trên nền tảng số-hiện được nhìn nhận là những đối tượng ẩn thuế khá lớn.
Đối với việc ứng dụng AI trong hỗ trợ người nộp thuế, đại diện Tập đoàn FPT cho rằng, việc áp dụng AI Chatbot và Voicebot sẽ giúp người nộp thuế dễ dàng thực hiện nghĩa vụ thuế; tạo cơ sở dữ liệu hỗ trợ quá trình xây dựng, sửa đổi chính sách thuế. Bên cạnh AI, công nghệ eKYC (định danh khách hàng trực tuyến) cũng được đề xuất nhằm đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuế cho cá nhân. Nhờ sử dụng Big Data, AI, hệ thống có thể tự động xác thực danh tính, giảm thiểu gian lận và rủi ro trong quá trình đăng ký. Về ứng dụng Blockchain (chuỗi khối) trong đối soát chứng từ thuế cũng được xem là một bước đột phá quan trọng giúp bảo đảm tính minh bạch và chính xác trong quá trình luân chuyển chứng từ, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ thuế.
TS Tô Hoài Nam, Ủy viên Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định: “Hiện nay, chúng ta có hơn 5 triệu hộ kinh doanh nên việc triển khai ứng dụng AI trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh là rất cần thiết. Vì AI có thể phân tích dữ liệu lớn từ nhiều nguồn dữ liệu như hóa đơn điện tử để làm tăng tốc độ quản lý cũng như phát hiện các vi phạm thuế với tính chính xác cao. Ngoài ra, AI có thể phân loại rủi ro và giám sát, trên cơ sở đó phân loại hộ kinh doanh tốt để Nhà nước có căn cứ hỗ trợ kịp thời, khách quan. Còn những hộ kinh doanh làm ăn chưa tốt, hay vi phạm pháp luật, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng thì AI sẽ phát hiện, thông báo để cơ quan chức năng xử lý kịp thời”.
TS Tô Hoài Nam cũng nhấn mạnh, việc áp dụng AI trong quản lý thuế sẽ giảm bớt sự can thiệp chủ quan của con người, hạn chế tiêu cực xảy ra, tạo môi trường công bằng hơn giữa các hộ kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh chưa quen với công nghệ số nên còn e ngại, có tâm lý không ủng hộ thì ngành thuế phải tăng cường đầu tư, giám sát, hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận với các ứng dụng thuế mới. Đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ngành thuế cần có biện pháp triển khai hạ tầng số phù hợp khi áp dụng AI trong quản lý thuế.
Ông Mai Sơn khẳng định: "Thời gian tới, ngành thuế sẽ tăng cường triển khai công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh với quyết tâm cao và cách làm khoa học, bài bản. Tận dụng tối đa những tiến bộ của khoa học-công nghệ, ứng dụng AI, Big Data để phát triển các ứng dụng quản lý thuế, đặc biệt là ứng dụng eTax Mobile. Đồng thời, ngành thuế sẽ tiếp tục làm việc và phối hợp chặt chẽ với cơ quan cấp giấy phép kinh doanh để xử lý những hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định. Đối với trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được cấp phép kinh doanh, cơ quan thuế sẽ trao đổi thường xuyên với cơ quan cấp phép để đưa vào quản lý thuế kịp thời".
NGUYỄN ANH VIỆT
Theo https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-q...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận