Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Duy trì xu thế hợp tác và phát triển
Trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam hết sức coi trọng mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Trung Quốc, coi đây là sự lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc cũng coi Việt Nam là láng giềng quan trọng và đối tác hợp tác, coi trọng cao độ phát triển quan hệ với Việt Nam, coi đây là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc.
Xu thế tiến triển
Từ sau khi thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, quan hệ Việt - Trung có sự phát triển ổn định và đạt được nhiều tiến triển mới. Đến nay, Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập được gần 60 cơ chế giao lưu, hợp tác từ trung ương tới địa phương, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực, phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước.
Xu thế phát triển ổn định thể hiện trước hết trong các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước. Ba chuyến thăm cấp cao trong năm 2017 thể hiện sự coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ Việt - Trung của cả hai bên, đồng thời cũng là sự thể hiện ủng hộ cao nhất đối với sự kiện chính trị ngoại giao quan trọng của nhau. Từ năm 2020 đến nay, do tác động của đại dịch COVID-19, lãnh đạo cấp cao duy trì tiếp xúc và giao lưu dưới nhiều hình thức như điện đàm, hội nghị trực tuyến.
Từ năm 2020-2022, Tổng Bí thư hai Đảng đã 4 lần điện đàm (tháng 1/2020; tháng 9/2020; tháng 2/2021 và tháng 9/2021). Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Chủ tịch nước Tập Cận Bình (tháng 5/2021). Thủ tướng Chính phủ hai bên có 3 lần điện đàm (tháng 6/2021, tháng 1/2022 và tháng 9/2022). Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hội đàm trực tuyến với Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc (tháng 6/2021).
Thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, hai bên đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng, trở thành định hướng chiến lược cho sự phát triển của quan hệ hai nước, thể hiện sự coi trọng đối với hợp tác chính trị song phương.
Hợp tác kênh Đảng tiếp tục được nhấn mạnh cả ở cấp trung ương và địa phương. Tại chương trình gặp gỡ đầu xuân giữa Bí thư 7 tỉnh biên giới Việt Nam với Bí thư tỉnh ủy Quảng Tây, Bí thư tỉnh ủy Vân Nam, hai bên nêu rõ vấn đề cần hợp tác, giao nhiệm vụ cụ thể tới các sở, ban, ngành, đưa các hạng mục hợp tác ngày càng đa dạng, toàn diện, đi vào thực chất và mang tính hiệu quả.
Điểm sáng trong quan hệ song phương
Hợp tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước thời gian qua. Trung Quốc là một trong số những nước cung cấp nhiều vaccine COVID-19 cho Việt Nam, cả viện trợ và thương mại, hơn 7,3 triệu liều, cùng các khoản viện trợ để mua sắm thiết bị, vật tư y tế phòng dịch. Một số địa phương của Trung Quốc như Quảng Tây, Quảng Đông và Vân Nam đã ủng hộ vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19 cho các địa phương của Việt Nam.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu, nhưng thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế và ngoại thương của cả hai bên. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Trung Quốc. Đến hết quý II/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 87,3 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 26,17 tỉ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021 và nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 61,12 tỉ USD, tăng 14,63%.
Đầu tư Trung Quốc có xu hướng gia tăng, đặc biệt là dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần. Lũy kế đến ngày 20/8/2022, Trung Quốc đứng thứ 6 trong tổng số quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.453 dự án còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 22,42 tỉ USD.
Hợp tác quốc phòng được quan tâm, thúc đẩy và là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Hai bên đã tổ chức thành công 7 lần giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới. Các nội dung hợp tác ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, có tính lan tỏa, trở thành một trong những hoạt động biểu tượng và rất có ý nghĩa đối với hợp tác quốc phòng song phương. Thông qua chương trình giao lưu, nhiều mô hình hợp tác bảo vệ biên giới đã được triển khai và phát huy hiệu quả, đồng thời còn đem lại cho người dân hai bên biên giới những lợi ích thiết thực.
Về vấn đề biên giới đất liền, lực lượng bảo vệ biên giới Việt Nam - Trung Quốc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cơ chế phối hợp mà hai bên đã ký kết. Về vấn đề trên biển, mặc dù có những bất đồng và diễn biến phức tạp, song hai bên duy trì trao đổi, đàm phán thẳng thắn và đã đạt tiến triển nhất định trong một số lĩnh vực ít nhạy cảm.
Nhìn chung, trong thời gian qua, mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến đổi phức tạp, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc dù có lúc trầm lắng nhưng vẫn duy trì trạng thái phát triển ổn định và đạt tiến triển, vì lợi ích căn bản, lâu dài của mỗi bên, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận